Đẩy mạnh hợp tác giữa đại học và địa phương, doanh nghiệp

Việc hợp tác giữa trường đại học, địa phương và doanh nghiệp giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Tọa đàm "Liên kết đại học - địa phương - doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội". Ảnh: K.H

Tọa đàm "Liên kết đại học - địa phương - doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội". Ảnh: K.H

Ngày 22/2, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức chương trình ngày hội kết nối Đại học - Địa phương - Doanh nghiệp, với sự tham dự của lãnh đạo 15 địa phương (TPHCM, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Kiên Giang) và lãnh đạo các doanh nghiệp.

Theo thống kê, Đại học Quốc gia TPHCM và các đơn vị thành viên và trực thuộc đã ký kết 249 văn bản hợp tác với 31 tỉnh, thành phố.

Các hoạt động, chương trình hợp tác với các địa phương hàng năm tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính: Góp ý, tư vấn chính sách phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch và chiến lược phát triển; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; Hợp tác triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.

 PGS.TS Nguyễn Minh Tâm báo cáo hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, địa phương của Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: K.H

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm báo cáo hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, địa phương của Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: K.H

Đại học Quốc gia TPHCM và các đơn vị thành viên, trực thuộc đã kết nối, phát triển hợp tác với 200 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, hằng năm, hệ thống này cung cấp cho thị trường lao động khoảng 20.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ ở hầu hết các lĩnh vực ngành nghề, tạo nguồn nhân lực quan trọng cho các doanh nghiệp cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Đặc biệt, 53% kỹ sư thiết kế vi mạch làm việc tại TPHCM tốt nghiệp từ Đại học Quốc gia TPHCM.

"Chương trình hôm nay là cơ hội để các trường đại học, các địa phương và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hợp tác. Qua đó, tôi hy vọng chương trình góp phần nâng cao chất lượng hợp tác và tạo nền tảng phát triển bền vững cho hệ thống giáo dục, doanh nghiệp và địa phương", ông Tâm nói.

 Các đại biểu chia sẻ chương trình hợp tác đại học - địa phương - doanh nghiệp. Ảnh: Lê Mạnh

Các đại biểu chia sẻ chương trình hợp tác đại học - địa phương - doanh nghiệp. Ảnh: Lê Mạnh

Trong khuôn khổ ngày hội kết nối, tọa đàm "Liên kết đại học - địa phương - doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội" , lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và trường đại học thảo luận các giải pháp thúc đẩy hợp tác.

Các bên đã chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình hợp tác đại học - địa phương - doanh nghiệp thành công cùng các thách thức, vướng mắc trong hoạt động hợp tác.

GS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, doanh nghiệp và các địa phương luôn được xác định là các bên liên quan quan trọng với trường đại học.

Trong đó, việc hợp tác với doanh nghiệp sẽ giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên.

Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, sẽ có những lúc hai bên có những lúc chưa gặp nhau về nhiều mặt. Ví dụ, khoa học công nghệ ở trường đại học mang tính hàn lâm, trong khi ở doanh nghiệp lại mang tính ứng dụng, đôi khi là bảo mật.

 Sinh viên tham dự chương trình. Ảnh: Lê Mạnh

Sinh viên tham dự chương trình. Ảnh: Lê Mạnh

Cũng theo GS Phong, việc hợp tác với các địa phương sẽ giúp trường đại học có thêm nhiều "bài toán" trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường hợp tác với địa phương sẽ giúp trường đại học tăng tính kết nối, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo.

"Trong việc hợp tác với doanh nghiệp, địa phương, tôi muốn nhấn mạnh tính chủ động của các trường đại học", GS Phong nói.

Tại chương trình, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức trao học bổng cho các sinh viên tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn.

13 địa phương trao tặng học bổng với tổng 228 suất, tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã dành tặng 299 suất học bổng vượt khó học tốt, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng và 29 suất học bổng toàn phần dành cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với giá trị học bổng: 50 triệu đồng cho sinh viên năm nhất; 30 triệu đồng cho sinh viên năm 2; 20 triệu đồng cho sinh viên năm 3; 10 triệu đồng cho sinh viên năm cuối và 20 triệu đồng cho học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu.

Lê Mạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-manh-hop-tac-giua-dai-hoc-va-dia-phuong-doanh-nghiep-post720543.html