Đẩy mạnh hợp tác khu vực tạo đột phá về chất lượng giáo dục đại học
Đẩy mạnh hợp tác khu vực bằng việc xây dựng không gian giáo dục đại học ASEAN có thể là một cú hích mạnh mẽ đối với giáo dục đại học Việt Nam.
Giáo dục đại học cần sự bứt phá trong phát triển
Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học mới đây lại được bàn thảo sôi nổi tại Hội thảo giáo dục 2023 về “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, đây là chủ đề luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục. Vì thế thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học đã từng bước được đổi mới, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện.
Đến nay, về cơ bản đã hình thành khung pháp lý về một mô hình quản lý nhà nước mới với đặc trưng cơ bản là một mặt Nhà nước tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển giáo dục đại học; mặt khác các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực trình độ cao của đất nước.
Chỉ có điều việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là vướng một số rào cản do tình trạng chồng chéo của hệ thống pháp luật nước ta. Dù vậy, có một thực tế là giáo dục đại học nước ta đã có bước tiến đáng kể về chất lượng.
Tuy nhiên, đó chỉ là bước tiến nhìn từ góc độ chất lượng của các yếu tố đầu vào, bao gồm đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất. Còn nhìn từ góc độ đáp ứng yêu cầu nhân lực của phát triển kinh tế-xã hội thì những yếu kém về chất lượng giáo dục đại học vẫn đang là nỗi bận tâm của xã hội.
Vì thế, trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, yêu cầu đặt ra đối với giáo dục đại học là “Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học”. Tại hội thảo Hội thảo giáo dục 2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu phải có sự bứt phá trong phát triển mà điều quan trọng đầu tiên là hoàn thiện thể chế, gỡ bỏ các rào cản trên hành trình phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam
Tháng 7 năm ngoái, trong khuôn khổ hợp tác giáo dục ASEAN, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã chủ trì Lễ công bố lộ trình không gian giáo dục đại học ASEAN 2025 và kế hoạch thực hiện lộ trình này.
Nghĩa là ASEAN chính thức triển khai một tiến trình hội nhập khu vực về giáo dục đại học như tiến trình Bologna của Liên minh Châu Âu.
Mục đích của tiến trình này là sự thống nhất trong đa dạng của các hệ thống giáo dục đại học trong ASEAN trên cơ sở một hạ tầng chung về các công cụ quản lý chất lượng giáo dục đại học và sự công nhận lẫn nhau thông qua những thỏa thuận song phương hoặc đa phương về tương đương văn bằng.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: Điều này mở ra cơ hội đặc biệt quan trọng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.
Đó là cơ hội về một môi trường hợp tác được khuyến khích cả từ trên xuống và từ dưới lên; về một môi trường cạnh tranh ở cả trong nước và khu vực buộc các cơ sở giáo dục đại học phải đổi mới, sáng tạo; về một môi trường chính sách quốc gia tích cực, thiết thực với những mục tiêu và giải pháp cụ thể để các cơ sở giáo dục đại học không ngừng nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, cũng theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ.
Thứ nhất là thách thức về một môi trường chính sách giáo dục đại học Việt Nam còn thiếu nhất quán, kém hiệu lực do hệ thống giáo dục đại học nước ta chịu quá nhiều đầu mối quản lý, còn sự phối hợp giữa các bộ ngành lại hình thức, kém hiệu quả.
Thứ hai là thách thức tài chính khi mà một mặt, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học Việt Nam trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục là rất thấp, vào loại thấp nhất thế giới; mặt khác các cơ sở giáo dục đại học đứng trước yêu cầu phải chuyển dần sang cơ chế tự bảo đảm mọi khoản chi, bao gồm chi thường xuyên, chi quản lý và chi đầu tư.
Thứ ba là thách thức làm thế nào để có được niềm tin lẫn nhau về chất lượng giữa giáo dục đại học Việt Nam với các hệ thống giáo dục đại học khác trong ASEAN khi mà hệ thống bảo đảm chất lượng của Việt Nam mới được đánh giá là ở giai đoạn đang phát triển; khi mà Khung trình độ quốc gia của Việt Nam còn chưa thể đối sánh được với Khung tham chiếu trình độ ASEAN; khi mà hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ của Việt Nam còn rất non trẻ.
Để khai thác thành công cơ hội cho giáo dục đại học
Cần nhận thức rằng, với lộ trình xây dựng không gian giáo dục đại học ASEAN, thì giáo dục đại học Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Giai đoạn chủ động và tích cực hội nhập khu vực để tạo đột phá nâng cao chất lượng ở tầm khu vực.
Để khai thác thành công các cơ hội đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của các thách thức nêu trên, rất cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Ở góc độ thể chế, chính sách, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, Quốc hội cần tiếp tục xem xét hoàn thiện thể chế giáo dục đại học chí ít trên hai phương diện: Một là bảo đảm khung pháp lý nhất quán để các cơ sở giáo dục đại học tự tin đổi mới sáng tạo trong phát huy quyền tự chủ, hợp tác và cạnh tranh thành công với các cơ sở giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực. Hai là bảo đảm rằng ngân sách giáo dục được phân bổ thỏa đáng, hợp lý và hiệu quả cho lĩnh vực giáo dục đại học.
Thứ hai, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ cần xem xét ban hành các chính sách mới giúp giáo dục đại học Việt Nam vượt qua các thách thức nói trên, bao gồm chính sách về xây dựng Khung Bảo đảm chất lượng quốc gia về giáo dục đại học, chính sách về đẩy mạnh tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia để sớm đối sánh được với Khung tham chiếu trình độ ASEAN, chính sách về hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ giáo dục đại học.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT cần triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của không gian giáo dục đại học ASEAN; tăng cường khai thác các cơ hội được tạo ra theo Lộ trình xây dựng không gian giáo dục đại học ASEAN; tiến hành điều tra, khảo sát để nhận dạng các khoảng cách mà giáo dục đại học Việt Nam phải vượt qua trong tiến trình này.