Đẩy mạnh hợp tác quốc tế tăng hiệu quả bảo vệ môi trường

Người dân tổ chức thu gom rác thải nhựa tại các điểm du lịch. Ảnh: MINH DUYÊN

Trên địa bàn tỉnh, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ghi nhận những chuyển biến tích cực khi tỉnh tăng cường hợp tác với các tổ chức môi trường quốc tế. Từ đây góp phần cùng cả nước thực hiện cam kết BVMT chống biến đổi khí hậu.

Đồng hành cùng Phú Yên

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã đồng hành cùng Phú Yên hơn 10 năm qua với các dự án về BVMT. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, điều phối viên quốc gia Chương trình vốn nhỏ GEF cho biết: Từ năm 2011-2019, GEF đã triển khai 9 dự án tại Phú Yên với số tiền tài trợ khoảng 400.000 USD. Từ năm 2019-2021, GEF tiếp tục triển khai dự án Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phộng của vùng sản xuất đậu phộng thích ứng biến đổi khí hậu tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Trị. Ở Phú Yên, dự án thực hiện tại thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân với quy mô 5ha cho 33 hộ tham gia. Các dự án của GEF hướng tới cải thiện sinh kế cho cộng đồng nghèo ở vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp do biến đổi khí hậu gây ra như ngập mặn, lũ lụt, hạn hán, xói lở… “Chính những người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng hiểu sâu sắc tác hại do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gây ra và họ mong mỏi hơn ai hết được giải quyết vấn đề để cải thiện cuộc sống. Hiệu quả của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT vì thế cũng tăng lên. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, GEF còn thực hiện dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên…”, bà Hiền nói.

Đồng hành cùng Phú Yên từ năm 2019, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đã giúp xây dựng phương án khoa học về quản lý rác thải sinh hoạt. Theo ThS Trần Thị Hoa, Giám đốc trung tâm này, GreenHub chia sẻ một số giải pháp tái chế rác thải, từng bước thay đổi nhận thức của người dân tiến tới phân loại để biến rác thải thành tài nguyên.

Còn Tổ chức về bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF) hỗ trợ Phú Yên thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa (RTN). Bà Nguyễn Thu Trang, Quản lý Chương trình đô thị giảm nhựa thuộc WWF, cho biết: WWF chọn Phú Yên tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa từ năm 2019. Qua nghiên cứu khoa học, chúng tôi trang bị kiến thức giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về RTN, đâu là RTN nguy hại cần hạn chế sử dụng, đâu là RTN có thể tái chế. Cùng với chính quyền xây dựng thành công kế hoạch quản lý RTN và RTN đại dương đến năm 2030. Thời gian tới, WWF sẽ tiếp tục đồng hành cùng Phú Yên trong phát triển các mô hình thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và tái chế RTN; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về xử lý rác…

Theo Sở TN-MT, ngoài các tổ chức trên, thời gian qua, tỉnh còn hợp tác với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga tăng cường quản lý và bảo tồn hệ sinh thái san hô, cỏ biển; Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA hỗ trợ trong triển khai xử lý bùn đáy vịnh Xuân Đài…

Phát huy hiệu quả thực tế

Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, dự án Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phộng của vùng sản xuất đậu phộng thích ứng biến đổi khí hậu giúp nông dân phương pháp sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp; hình thành vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP kết hợp với công nghệ chế biến của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước. Từ đây tăng tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sản xuất từ đậu phộng, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Bà Phạm Thị Hoa, nông dân ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Chuyển sang trồng đậu phộng, thu nhập của gia đình tôi tăng lên. Đặc biệt, tôi không còn lo đầu ra vì đã được HTX thu mua.

Còn ông Nguyễn Văn Tri, nông dân ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) tham gia dọn vệ sinh dọc bãi biển Nhơn Hội thuộc khu vực Hòn Yến, cho biết: Tôi mong mỏi môi trường danh thắng Hòn Yến được bảo vệ để điểm du lịch này trở thành nơi thu hút và giữ chân du khách. Người dân chúng tôi cũng nhờ thế cải thiện sinh kế từ các dịch vụ phục vụ du lịch. Tham gia dọn rác, tôi muốn góp tiếng nói của mình tới mọi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, hãy ngừng xả rác bừa bãi, đặc biệt là RTN.

Theo Sở TN-MT, việc hợp tác với các tổ chức môi trường quốc tế không chỉ giúp tỉnh có kinh phí triển khai các hoạt động BVMT mà còn xây dựng được cơ sở dữ liệu khoa học cùng các phương pháp BVMT hiện đại, hướng tới bảo vệ đa dạng sinh học, phát huy thế mạnh kinh tế biển. Các dữ liệu về rác thải sinh hoạt, RTN là tiền đề thực hiện phân loại rác tiến tới biến rác thải thành tài nguyên; các mô hình sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu là cơ sở để đẩy mạnh sản xuất xanh, an toàn và thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/269692/day-manh-hop-tac-quoc-te-tang-hieu-qua-bao-ve-moi-truong.html