Đẩy mạnh hợp tác, tăng cường liên kết đầu tư
Tại chuyến thăm, làm việc với hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, khảo sát thực địa tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải và Tập đoàn Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tập đoàn Trường Hải tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất đầu máy; đồng thời đề nghị Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu làm ray đường sắt tốc độ cao, thuộc dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát thực địa tại Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Việc sản xuất toa tàu và đường ray sắt tốc độ cao được xem là cuộc "bắt tay" giữa các tập đoàn, tổng công ty lớn, đủ năng lực phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia, góp phần kết nối Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất xích lại gần nhau hơn.
Đến nay, hai khu kinh tế nêu trên đã thu hút khoảng 20,9 tỷ USD vốn đầu tư, tập trung ở các lĩnh vực thép, lọc hóa dầu, ô-tô, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, thương mại-dịch vụ và logistics… Theo các chuyên gia, hai khu kinh tế này vẫn còn nhiều dư địa đầu tư đa lĩnh vực cũng như tiềm năng liên kết, hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp. Với việc cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, các doanh nghiệp ở hai khu kinh tế trọng điểm miền trung sẽ có cơ hội mở rộng không gian hợp tác, chủ động liên doanh, liên kết sản xuất trên cơ sở lợi ích hài hòa, giảm chi phí logistics, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các khu kinh tế, khu công nghiệp cùng tham gia phát triển theo chuỗi giá trị.
Vùng duyên hải miền trung và các tỉnh Tây Nguyên có 50 khu kinh tế, khu công nghiệp, cùng lợi thế kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, nhất là hệ thống cảng nước sâu. Trong xu thế mới, khi yêu cầu tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng hiệu suất lao động thì nhu cầu hợp tác liên kết vùng, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp của 11 địa phương trong khu vực thật sự cần thiết. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thế mạnh khi tăng cường liên kết đầu tư sẽ mở rộng thị trường, tham gia nhiều phân khúc sản xuất, tìm kiếm đối tác tiềm năng, giảm chi phí sản xuất, thời gian vận chuyển và hạn chế nhập khẩu, cùng tham gia chuyển giao công nghệ hợp lý... Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn phát huy mạnh hơn vai trò tiên phong trong thực hiện những công việc lớn, việc khó, việc mới, góp phần chủ động giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng và cả nước.
Cùng "bắt tay" hợp tác sản xuất sẽ mở ra cơ hội mới cho các khu kinh tế, khu công nghiệp và doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương trong vùng cần tiếp tục chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cùng tìm kiếm cơ hội đầu tư, hỗ trợ lẫn nhau. Các khu kinh tế, khu công nghiệp tăng cường hợp tác hơn nữa để cùng thực hiện tốt các dự án chiến lược, hình thành hệ sinh thái công nghiệp đa ngành thế hệ mới. Sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm đúng quy định, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-hop-tac-tang-cuong-lien-ket-dau-tu-post861480.html