Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong 5 năm qua (2018-2022), số lượng sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh ngày một tăng qua các năm. Tuy nhiên hiện nay việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP vẫn còn là bài toán nan giải. Vì vậy, việc đẩy mạnh kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP là việc làm cần thiết nhằm góp phần đưa sản phẩm chất lượng, an toàn đến với người tiêu dùng.

Sản phẩm túi cói và gương cói của Công ty Vina Handicrafts đạt OCOP 4 sao trưng bày tại hội nghị kết nối cung cầu.

Sản phẩm túi cói và gương cói của Công ty Vina Handicrafts đạt OCOP 4 sao trưng bày tại hội nghị kết nối cung cầu.

Với mục tiêu nhằm giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và có chỗ đứng trong các siêu thị, vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu cho các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP của tỉnh. Thông qua hội nghị nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, kết nối, mở rộng thị trường chia sẻ các giải pháp kết nối, tiêu thụ và đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc sản, tiêu biểu của tỉnh. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nắm bắt xu hướng phát triển của việc ứng dụng công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững ở địa phương.

Là đơn vị có sản phẩm tham gia tại hội nghị kết nối cung cầu, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, chủ cơ sở sản xuất thịt chưng mắm tép với sản phẩm thịt chưng mắm tép đạt OCOP 4 sao cho biết: Thời gian qua, với việc không ngừng đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở hướng tới mục tiêu cung cấp cho khách hàng sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn chất lượng. Chúng tôi đã không ngừng đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số bằng việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội cũng như trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, các trung tâm thương mại. Thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giúp cho sản phẩm của chúng tôi đến với khách hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Việc các chủ thể có sản phẩm OCOP được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường giúp cho sản phẩm của đơn vị có chỗ đứng trên thị trường, khẳng định chất lượng, được khách hàng tin dùng. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều điểm bán hàng, giới thiệu các sản phẩm OCOP, vì vậy bản thân tôi cũng như nhiều chủ thể khác mong muốn có thêm nhiều điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP, giúp khách hàng có thể lựa chọn được các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền để làm quà.

Được biết, Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm là điểm dừng chân duy nhất nằm trên tuyến đường nối liền Bắc- Nam qua thành phố Ninh Bình đã đi vào hoạt động một thời gian, đây là địa điểm bày bán nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh. Tới đây, vào dịp nghỉ lễ 30/4, khi tuyến đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn được thông xe sẽ là cơ hội thuận lợi để các sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa hơn, được nhiều khách hàng biết đến.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, HTX, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã tích cực tham gia các hội chợ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Cà Mau (tham gia trưng bày sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu), sản phẩm OCOP tại "Tuần du lịch Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" năm 2022 tại bến thuyền Tam Cốc, xã Ninh Hải (Hoa Lư); tham gia hội chợ Đông Quảng Ninh; hội chợ "Ngày hội cua Cà Mau lần thứ nhất năm 2022" và "Hội chợ mua sắm khuyến mại kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam - Thái Lan và kết nối các sản phẩm OCOP" tại thành phố Cà Mau; tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Đây là cơ hội thuận lợi để các sản phẩm OCOP của Ninh Bình vươn xa hơn.

Tham quan, tìm hiểu sản phẩm ruốc cá của Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng sông xanh.

Là doanh nghiệp còn khá non trẻ so với các đơn vị kinh doanh cùng ngành nghề về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn. Đến nay, sau 7 năm thành lập và đi vào hoạt động, Công ty Vina Handicrafts (xã Quang Thiện, Kim Sơn) đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, các sản phẩm của doanh nghiệp đã từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường xuất khẩu. Mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 600 nghìn sản phẩm từ cói và bèo bồng. Năm 2022, doanh thu ước đạt trên 25 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 công nhân tại xưởng, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Trần Thùy Nhi, Phó Giám đốc Công ty Vina Handicrafts cho biết: Vượt qua giai đoạn khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID- 19, với sự năng động, nhạy bén thị trường, Công ty chúng tôi đã không ngừng nỗ lực, tạo ra những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt, được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Vì vậy, Công ty liên tục có được những đơn hàng xuất khẩu, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Sản phẩm gương cói và túi cói của Công ty đạt OCOP 4 sao đã xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Âu, được khách hàng tin dùng. Để đạt được kết quả này, Công ty đã tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, các hội nghị kết nối cung cầu. Từ đó giúp cho Công ty có được nhiều đơn hàng.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh có nhiều HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhưng để sản phẩm vào được siêu thị và chuỗi bán lẻ thì cần đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định và cung cấp đủ sản lượng theo yêu cầu, trong khi các sản phẩm của các chủ thể còn mang tính mùa vụ, quy mô sản xuất không lớn, sản lượng lại không đều giữa các tháng trong năm.

Để giúp các chủ thể OCOP vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm trong và ngoài tỉnh.

Tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, liên kết hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; tham gia triển lãm, trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Hỗ trợ, cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký, tham gia giới thiệu, phân phối sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Nhân rộng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với các điểm du lịch trọng điểm của các huyện, thành phố trong tỉnh; hỗ trợ 3-5 điểm bán hàng sản phẩm OCOP theo quy định tại các huyện, thành phố. Tổ chức đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm gắn với tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước.

Về phía các chủ thể OCOP, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện đăng ký, công bố chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định; cải tiến bao bì, tem nhãn sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Có như thế, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng phát triển và đứng vững trên thị trường.

Bài, ảnh: Tiến Đạt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/day-manh-ket-noi-tieu-thu-cac-san-pham-ocop/d2023032415095872.htm