Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản
Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn
(HNM) - Để đưa nông sản an toàn, chất lượng tốt đến với người tiêu dùng Hà Nội, những năm qua, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường Thủ đô đã được Bộ NN&PTNT và các địa phương tích cực triển khai.
Mặt hàng nước mắm Phan Thiết được giới thiệu tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Linh Ngọc
Tại hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản Nam Bộ vừa diễn ra ở Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân nên nhu cầu về nông sản và thực phẩm rất lớn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 35% nhu cầu về trái cây, 5% thủy sản... Trong khi đó, các tỉnh Nam Bộ có rất nhiều sản phẩm được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng như: Gạo chất lượng cao, thủy sản, xoài cát Hòa Lộc, quýt hồng Lai Vung, bưởi da xanh…
Nắm bắt nhu cầu này, nhiều tỉnh phía Nam đã đưa nông sản, thực phẩm đặc sản về tiêu thụ tại Hà Nội. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định 1791/QĐ-BNN-QLCL ngày 19-5-2015 về Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Thực hiện quyết định này, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay, Hà Nội đã có 727 chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn (tăng 184 chuỗi - tương đương 34% so với năm 2018). Nhờ đó, hiện có rất nhiều nông sản của các tỉnh đang được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Là một trong những doanh nghiệp phân phối khá lớn lượng nông sản của các tỉnh, thành phố tới người tiêu dùng Thủ đô, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Nguyễn Tiến Hưng cho hay: Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ NN&PTNT và ngành Nông nghiệp Hà Nội, những năm qua, BigGreen đã xây dựng được mối liên kết với nhiều hợp tác xã, đơn vị sản xuất rau, quả an toàn tại nhiều vùng trên cả nước như: Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)… tạo nguồn hàng ổn định, nhất là các loại rau trái vụ đang được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội với sản lượng trung bình 10 tấn/ngày và các loại quả đạt hơn 400 tấn/tháng.
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, Thủ đô là thị trường lớn, tiềm năng về tiêu thụ nông sản, thực phẩm với 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, hơn 1.000 cửa hàng tiện ích, 798 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được cấp biển nhận diện. Là thị trường lớn, việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được Hà Nội đặt lên hàng đầu.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, mỗi sản phẩm nông sản địa phương đều có đặc trưng riêng, nhưng để đáp ứng yêu cầu tại thị trường Hà Nội nói riêng và các thị trường khác nói chung, rất cần tuân thủ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng. Dù đã có chuyển biến tích cực trong liên kết tiêu thụ giữa các tỉnh, thành phố, song trong quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế. Để đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, các địa phương cần chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng kênh phân phối…