Đẩy mạnh liên kết, hợp tác nâng cao giá trị ngành nuôi tôm công nghiệp
Ngày 9/9, tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình liên kết, hợp tác trong ngành tôm với chủ đề 'Xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị'.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Hội nghị là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong ngành tôm cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin, xây dựng mối liên kết bền vững, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất hiện nay.
Đây cũng là diễn đàn nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp phù hợp để phát triển liên kết, hợp tác ngành tôm hiệu quả hơn.
Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu rõ, trong 8 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản đạt 5,93 triệu tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt gần 3,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 5,68 tỷ USD. Riêng đối với ngành tôm, sản lượng đạt 674 nghìn tấn, xuất khẩu đạt 2,22 tỷ USD. Hiện nay, diện tích nuôi thả tôm của cả nước khoảng 740 nghìn ha và có đến 360.720 nghìn cơ sở nuôi, trung bình chỉ có 2ha/cơ sở.
Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, hiện giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất, giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng; một số vùng nuôi thiếu điện do tiết giảm, cắt điện luân phiên… phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện; giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu, sản phẩm thủy sản tăng theo giá xăng dầu, vì vậy, theo dự báo năm 2023 các cơ sở nuôi tôm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công nghệ vùng nuôi chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao; mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp; khu vực nuôi tôm quảng canh cần có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, về con giống.
Hội nghị cũng được nghe các tham luận của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết, hợp tác trong mô hình nuôi tôm nước lợ công nghiệp nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành nuôi tôm công nghiệp.
Để phát triển liên kết, hợp tác ngành tôm ngày càng hiệu quả hơn, thời gian tới các địa phương trong cả nước cần phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên việc tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.