Đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các HTX, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc ra mắt nhiều sản phẩm OCOP mang đậm nét đặc trưng của những vùng, miền, địa phương trong tỉnh.
Cửa hàng trưng bày sản phẩm rượu Chi nê của Công ty CP Thương mại Hậu Lộc.
Tỉnh Thanh Hóa với sự đa dạng về văn hóa, địa hình đã tạo nên sự phong phú về sản phẩm địa phương. Vì vậy, ngay khi Chương trình OCOP được triển khai, đã tạo nên “cú hích” mới cho sự phát triển của các sản phẩm cùng những ý tưởng và khát vọng khởi nghiệp trong Nhân dân. Theo kết quả khảo sát của các sở, ngành có liên quan, toàn tỉnh có nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thuộc các nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, giầy và may mặc, đồ lưu niệm, trang trí nội thất... Trong số này đã có một số sản phẩm đăng ký công bố chất lượng, bảo hộ sở hữu trí tuệ và có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, tỉnh ta đã có 59 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 46 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao và 13 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao.
Một trong những hoạt động hỗ trợ Chương trình OCOP được tỉnh triển khai thực hiện là phát triển các cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Để đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh đã hỗ trợ phát triển được 5 cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, khai trương gần nhất là cửa hàng trưng bày tại thị trấn Nga Sơn. Ngay trong ngày khai trương, cửa hàng đã giới thiệu hơn 20 sản phẩm đặc trưng của các cơ sở sản xuất trong tỉnh, với các mặt hàng, như: gạo, rau, củ, quả an toàn, các loại tinh dầu chiết xuất từ thảo mộc, các sản phẩm tinh chế từ đông trùng hạ thảo, các sản phẩm từ yến, các loại nước mắm... với hình thức bao bì, nhãn hiệu khá bắt mắt cùng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nên được sự đón nhận của người tiêu dùng.
Với tiềm năng, lợi thế riêng, có thể thấy, việc phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh một cách đa dạng và phong phú không phải là vấn đề khó. Nhưng vấn đề được xem là khó đối với Chương trình OCOP là làm sao để các sản phẩm sinh ra từ làng, xã có thể trụ vững trên thị trường. Muốn vậy, bên cạnh việc sản xuất đạt chất lượng trong nước và quốc tế, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cùng khả năng truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm OCOP của tỉnh còn phải tạo nên sự khác biệt có tính đặc trưng riêng để tạo ấn tượng nơi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm chính là điều kiện quyết định hiệu quả của việc kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Nhìn lại một số sản phẩm đặc trưng và có lợi thế của tỉnh, như: bánh gai Lâm Thắm, gạo Thanh Hương 2, dầu lạc Linh Phương... có thể thấy, tất cả đều tạo được dấu ấn riêng với người tiêu dùng không chỉ ở chất lượng mà còn ở sự khác biệt có tính đặc trưng. Ông Lê Hữu Lâm, chủ cơ sở sản xuất Lâm Thắm, chia sẻ: bánh gai không phải là sản phẩm xa lạ với người tiêu dùng, nhưng để người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao thì sản phẩm phải có sự khác biệt, vượt trội về chất lượng. Song để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng ở những thị trường mới, cơ sở đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư trong, ngoài tỉnh để quảng bá và giới thiệu, tìm kiếm đối tác tiềm năng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Thực tế, 59 sản phẩm của 39 chủ thể OCOP trên địa bàn 38 xã, phường, thị trấn thuộc 16 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cho thấy, sau khi được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đã mở ra hướng phát triển mới cho các chủ thể sản xuất. Tuy nhiên, khâu quan trọng là tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, bán lẻ, có như vậy chuỗi giá trị mới phát triển bền vững. Vấn đề này vẫn còn là điểm yếu của nhiều chủ thể sản xuất do phần lớn các chủ thể tham gia OCOP đều là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX quy mô sản xuất nhỏ, nên kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ khó khăn. Hầu hết các chủ thể OCOP đều mong muốn tìm kiếm các kênh bán hàng ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP còn mong muốn tiếp cận các kệ hàng của những hệ thống bán lẻ hiện đại, như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi... Chị Nguyễn Thị Lan Anh, xã Quảng Khê (Quảng Xương), cho biết: Hiện nay, cơ sở chúng tôi có 2 sản phẩm là Ngâm chân Mộc Việt và Lá xông giải cảm, được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả này đã làm khách hàng biết đến nhiều hơn nhưng để có thị trường tiêu thụ rộng rãi hơn, chúng tôi mong muốn được các sở, ngành, địa phương hỗ trợ quảng bá và tạo đầu ra cho sản phẩm.
Chương trình OCOP đã giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, góp phần khai thác được nguyên liệu sẵn có ở các địa phương. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tiến trình nông thôn mới ở khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh. Tuy nhiên, để chương trình này thực sự hiệu quả, mang lại sự đổi thay cho cộng đồng thì việc đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm là vấn đề thiết thực. Bên cạnh sự nỗ lực tìm kiếm, đấu mối tiêu thụ của các chủ thể thì các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại.