Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ trái vú sữa tím

Vài năm trở lại đây, vú sữa tím của nhà vườn tại các xã: Trinh Phú, Xuân Hòa, Phong Nẫm, Thới An Hội của huyện Kế Sách (Sóc Trăng) được xem là loại trái cây đặc sản của tỉnh, được các công ty, doanh nghiệp liên kết thu mua để xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới. Thông qua liên kết tiêu thụ đã nâng cao chất lượng sản phẩm trái qua từng năm, đặc biệt nâng cao ý thức nhà vườn trong khâu chăm sóc vườn vú sữa tím của gia đình. Việc liên kết tiêu thụ đã giữ ổn định giá bán trong suốt mùa vụ và cao hơn giá thị trường, góp phần tăng thu nhập cho nhà vườn trồng vú sữa tím tại huyện Kế Sách.

Trái vú sữa tím của huyện Kế Sách bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2018, đánh dấu sự thành công trong kết nối với công ty, doanh nghiệp để đưa trái cây đặc sản của tỉnh xuất ngoại.

Thành viên HTX Nông nghiệp Lộc Mãi, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) phấn khởi khi trái vú sữa tím ngay đầu vụ đã được doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát). Ảnh: TL

Thành viên HTX Nông nghiệp Lộc Mãi, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) phấn khởi khi trái vú sữa tím ngay đầu vụ đã được doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát). Ảnh: TL

Trong những ngày đầu vụ thu hoạch trái vú sữa tím của năm 2021, chúng tôi đến tham quan Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lộc Mãi, Ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách đúng lúc Giám đốc HTX Sử Quốc Lộc đi kiểm tra khu vườn vú sữa tím của HTX trước khi thu hoạch trái, đóng thùng giao công ty thu mua liên kết bao tiêu đầu ra. Đưa tay kéo nhánh vú sữa có nhiều trái, anh Lộc tâm tình: “Kể từ ngày trái vú sữa tím của HTX liên kết đầu ra với doanh nghiệp xuất khẩu, thu nhập của hầu hết thành viên HTX tăng lên đáng kể, kể cả việc bán trái vú sữa cho thị trường nội địa giá cũng tăng cao hơn so với trước đây. Hiện tại, HTX có diện tích 34ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, thời gian thu hoạch vú sữa bắt đầu từ tháng 9 năm này kéo dài đến tháng 3 năm sau (nhờ xử lý trái kéo dài mùa vụ - PV), sản lượng 1.500 - 2.000 tấn/vụ/năm”.

Theo lời anh Lộc, ngay từ đầu vụ năm 2021, HTX đã được 2 doanh nghiệp liên kết thu mua đầu ra, với số lượng mua là 6 tấn trái/tuần, giá bao tiêu 30.000 đồng/kg, giá trên duy trì đến hết mùa vụ. Ngoài việc bán cho công ty, HTX còn bán trái vú sữa tím cho các siêu thị, cửa hàng cao cấp tại Cần Thơ, Đồng Tháp và Tiền Giang, sản lượng từ 1 tấn - 1,5 tấn trái/tuần. Thông qua việc liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, giá trị trái vú sữa của HTX nâng lên đáng kể, giá bán cao hơn từ 1.000 - 5.000 đồng/kg so với bên ngoài. Ý thức của thành viên HTX được nâng cao khi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật doanh nghiệp đưa ra và sản lượng vú sữa bao trái năm nay hơn 1.000 tấn.

Cũng là HTX tập hợp nhiều hộ dân chuyên canh trồng vú sữa tím, nhưng chỉ mới thành lập và đi vào hoạt động vào cuối tháng 6-2021, HTX Nông nghiệp 7/5, Ấp 2, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách đã được doanh nghiệp bao tiêu trái vú sữa tím ngay vụ đầu tiên. Giám đốc HTX Nông nghiệp 7/5 Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Tổng diện tích HTX trồng vú sữa tím là 36ha, trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP gần 33ha, sản lượng vú sữa ước hơn 1.200 tấn/vụ/năm. Với sản lượng trái vú sữa tím lớn như trên, thường tới mùa vụ, nhất là thời điểm vú sữa rộ, giá bán ra thị trường thấp, nhà vườn lợi nhuận không nhiều. Nhưng vài năm trở lại đây, một số thành viên đã có liên kết bán trái vú sữa cho doanh nghiệp nên giá bán cao. Hiện tại, HTX đã đi vào hoạt động, tập hợp các thành viên cùng liên kết doanh nghiệp, bao tiêu trái vú sữa sau thu hoạch, qua đó đã nâng cao sản lượng trái vú sữa bán ra, cũng như tăng lợi nhuận cho thành viên HTX khi giá bao tiêu 30.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá thị trường đầu vụ. Qua khâu liên kết với doanh nghiệp, nông dân yên tâm sản xuất”.

“Trong vụ thu hoạch vú sữa tím đầu tiên của năm 2021, tại huyện Kế Sách đã có 7 doanh nghiệp liên kết thu mua trái vú sữa cho các HTX chuyên canh vú sữa tím và nhóm nông dân trồng vú sữa tím đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy trình doanh nghiệp, công ty đưa ra. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và HTX ngoài việc tăng lợi nhuận cho nhà vườn trồng vú sữa, còn nâng cao ý thức sản xuất của nhà vườn (khi bao trái vú sữa sẽ đảm bảo sản phẩm “sạch”, an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu, kể cả bán cho người tiêu dùng trong nước). Qua đó, để đảm bảo chất lượng trái vú sữa tím, nhà vườn cần phải chuyển đổi tư duy sản xuất truyền thống sang tư duy sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường (trái cây sạch) và trong khâu liên kết phải luôn giữ chữ tín, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và nhà vườn” - ông Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/day-manh-lien-ket-tieu-thu-trai-vu-sua-tim-53518.html