Đẩy mạnh liên kết vùng, ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ hàng nông sản
Tại Diễn đàn 'Đẩy mạnh liên kết vùng - tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã' do Tạp chí Kinh doanh (Vnbusiness) tổ chức ngày 26/10, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Để mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản, cần phát huy được sự phối hợp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nhà quản lý.
HTX gặp khó khi tiêu thụ nông sản
Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam hiện là thành viên của rất nhiều Hiệp định thương mại. Ngoài các điều khoản liên quan đến nghĩa vụ, các Hiệp định thương mại đều có các điều khoản hỗ trợ xuất nhập khẩu. “Liên minh HTX Việt Nam có thể nghiên cứu kỹ hơn để khai thác những thuận lợi đó nhằm tạo ra những kênh thông tin, hỗ trợ HTX chuyển đổi số", lãnh đạo CIEM cho biết. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Bởi sản phẩm dù có chất lượng nhưng không có thương hiệu, không bảo hộ chỉ dẫn địa lý, rất khó thâm nhập thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện có trên 28.000 HTX, 13.000 tổ hợp tác, khoảng 200 liên hiệp HTX. Khu vực HTX đang thu hút 3,2 triệu hộ nông dân nên đẩy mạnh liên kết vùng có vai trò rất quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra. Thế nhưng hiện vẫn có khoảng 70% HTX chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa liên kết với doanh nghiệp nên việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.
“Các HTX rất mong muốn được liên kết với doanh nghiệp, siêu thị…thậm chí đi bằng chính ‘đôi chân’ của mình để đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn của các thành viên HTX về giấy tờ, cách thức kết nối với các doanh nghiệp đang khiến đầu ra cho các loại nông sản, sản phẩm chế biến sâu chưa được rộng mở”, ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐQT HTX Sông Hồng (Hà Nội) cho biết.
Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội), việc đưa nông sản vào siêu thị sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp ổn định đầu ra sản phẩm, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá” nhưng việc này đang gặp khó. Lý do các siêu thị đưa ra là nông sản khó bảo quản, chất lượng một số mặt hàng chưa đồng đều, không đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm nghiêm ngặt của các siêu thị…Trong khi đó, HTX hiện rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng. Trong khi cơ chế thanh toán các siêu thị đưa ra kéo dài đến 45 ngày, HTX không có đủ vốn để quay vòng sản xuất.
Cần phân loại sản phẩm để đưa vào từng phân khúc phù hợp
Các chuyên gia cho rằng mối liên kết bền chặt giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp và nhà quản lý giúp nông sản của HTX, doanh nghiệp rộng đầu ra hơn.
Theo bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc thu mua Big C/GO, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, lâu nay HTX thường có tư duy “bán những cái có sẵn nhưng chưa chú trọng đến sản phẩm đặc thù”. Có những HTX giới thiệu 15 - 20 mã hàng những các mã không có gì đặc thù. Do đó, HTX cần phân loại sản phẩm để đưa vào từng phân khúc phù hợp.
“Chẳng hạn như hàng loại một đưa vào siêu thị, HTX cần phải làm gì, bao gói ra sao, có phục vụ cả online hoặc offline... Nếu đáp ứng được những điều trên, siêu thị chắc chắn hợp tác lâu dài với HTX”, bà Mai Phương cho biết. Ngoài ra, các siêu thị rất quan tâm đến vấn đề duy trì sản phẩm. Nếu những HTX nào đảm bảo được tính duy trì và bảo đảm được chất lượng thì mối liên kết giữa HTX và siêu thị rất bền chặt. Hiện có HTX Mường Bú (Sơn La), HTX Chúc Sơn (Chúc Sơn) đang làm rất tốt điều này.
Bà Nguyễn Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Vinanutrifood cho rằng: Hiện nền tảng TikTok đang thu hút nhiều khách hàng, đơn vị này cũng hỗ trợ về logistics và kết hợp với nhiều đơn vị đào tạo miễn phí cho người dân nên HTX có thể tận dụng điều. "Điều HTX cần quan tâm là khách hàng ở đâu, HTX cần phải bán sản phẩm ở đó. Hiện, đã có đơn vị ở Sơn La bán được 600 triệu tiền hàng trong 1 buổi livestream. Do vậy, các HTX kiểu mới có thể ứng dụng công nghệ số hóa để bán hàng hiệu quả", bà Nguyễn Diễm Hằng cho biết.
Để tránh “phá vỡ” hợp đồng, thúc đẩy hơn nữa liên kết giữa doanh nghiệp và HTX trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng: Điều đầu tiên cần quan tâm đó là chất lượng nông sản phải được bảo đảm, các quy định trong hợp đồng phải chặt chẽ. Muốn hợp đồng được bền vững cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, và hài hòa về lợi ích giữa các bên. Ngoài ra, hàng hóa hiện nay rất phát triển, đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn nhưng hạ tầng thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hàng hóa.
Do vậy, đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng: Cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản; bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online.
Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại, để phát tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng; thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vì đây là nguồn lực để phát triển nông nghiệp.
“Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định. Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định”, ông Dương Thái Trung cho hay.