Đẩy mạnh livestream, bán hàng qua mạng

Một số doanh nghiệp chia sẻ, đang đẩy mạnh bán hàng qua mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử…, nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán 2024 này.

Phiên livestream bán hàng tại chợ Bến Thành được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực

Phiên livestream bán hàng tại chợ Bến Thành được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực

Bán hàng hóa thông qua mạng xã hội, điển hình như việc livestream bán hàng tại chợ Bến Thành (quận 1), bán hàng OCOP tại huyện Cần Giờ (TPHCM)… đã mang lại doanh thu đáng khích lệ.

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024 - Kích cầu tiêu dùng nội địa, do Báo Người Lao động tổ chức hôm nay 19-12.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO cho biết, thời gian qua, tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, tiểu thương bế tắc đầu ra, ế ẩm. Trong khi xu hướng ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc triển khai bán hàng online rất mạnh mẽ, qua Tiktok, người tiêu dùng vừa giải trí và vừa mua sắm.

Trước thực tế này, KIDO đã kết hợp với Tiktok xây dựng kênh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh số. Ngay như chợ Bến Thành cũng đang ứng dụng công nghệ vào bán hàng online.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy được xu hướng thì cần phải nhanh chóng chuyển hướng, thay đổi. Cùng với việc phối hợp với Tiktok, doanh nghiệp sẽ cùng với Sở Công thương TPHCM tiếp tục triển khai việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử tới các chợ truyền thống khác, mục tiêu là bán được hàng.

 Ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ tại diễn đàn trưa 19-12

Ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ tại diễn đàn trưa 19-12

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng triển khai cho tất cả hiệp hội ngành hàng để cùng nhau thảo luận, trao đổi, trong đó có cả Tiktok và các chuyên gia, về việc làm sao tìm ra giải pháp bán được hàng nhiều hơn, làm sao để các tiểu thương thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ mở các khóa đào tạo với sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC) giúp các tiểu thương, nhưng cần chính sách, định hướng mạnh mẽ hơn từ cơ quan chuyên trách, lãnh đạo TPHCM”, ông Trần Lệ Nguyên nói.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh là tiếp cận thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng dịch chuyển thì các doanh nghiệp phải thích ứng với sự thay đổi này. Vấn đề là làm sao kích hoạt dịch vụ và tiêu dùng, thương mại để hỗ trợ cho sản xuất trong nước.

 Người tiêu dùng chọn mua hàng tết tại siêu thị trên địa bàn TPHCM

Người tiêu dùng chọn mua hàng tết tại siêu thị trên địa bàn TPHCM

Do đó, cần kích hoạt những chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và lan tỏa tới tiêu dùng, sản xuất trong nước, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp. Không cần ban hành thêm những chính sách gì mới, mà tập trung làm tốt những chính sách đã có và đánh giá những chính sách này.

TS Nguyễn Quốc Việt thông tin thêm, Trung Quốc hiện tại đã thâm nhập sâu vào lĩnh vực thương mại điện tử, đầu tư các kho bãi, có những nền tảng, livestream bán hàng chuyên nghiệp. Tất cả doanh nghiệp trong nước phải thấy được điều này để thay đổi.

 Khách chọn mua hàng tại sự kiện giảm giá hàng hiệu do Sở Công thương TPHCM phát động

Khách chọn mua hàng tại sự kiện giảm giá hàng hiệu do Sở Công thương TPHCM phát động

Tiếp tục giảm thuế, phí, kích cầu tiêu dùng

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ nhiều lần dùng “Ba động lực phát triển” là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để tổng kích cầu tiêu dùng nội địa. Gần đây, chúng ta dùng “cỗ xe tứ mã” gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu nền kinh tế. Đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa. Đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế.

Vừa rồi, Quốc hội đã quyết định kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng VAT còn 8%. Nhiều kiến nghị có thể giảm thêm để tăng hiệu quả kích cầu tiêu dùng. Đây là công cụ quan trọng, nếu giảm thuế VAT nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, nhưng nếu tăng được sức mua thị trường nội địa thì cũng nên tính toán kỹ.

Đồng thời, các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục triển khai sẽ kích cầu toàn diện. Ngành du lịch cũng linh hoạt nhiều chương trình, giải pháp kích cầu.

Năm 2023, TPHCM mà cụ thể là Sở Công thương, Sở Du lịch TPHCM triển khai nhiều chương trình kích cầu nhưng chúng ta cần nhiều chương trình quốc gia để nhiều tầng lớp tiêu dùng có điều kiện mua sắm. Điểm cuối cùng, để gỡ cho nền kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế.

THI HỒNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/day-manh-livestream-ban-hang-qua-mang-post719050.html