Đẩy mạnh mô hình công nghiệp sinh thái

Nhân rộng việc thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp, từ đó góp phần phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện... đó là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp nước nhà hiện nay.

Khu công nghiệp DEEP C. Ảnh: M.Q.

Khu công nghiệp DEEP C. Ảnh: M.Q.

Nhiều KCN đang thực hiện chuyển đổi

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đã đạt được các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm so với phương án phát triển bình thường. Đối với phát triển bền vững hoạt động công nghiệp và khu công nghiệp (KCN), Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi 4 KCN sang KCNST (giai đoạn 2015-2029) và 3 KCN đang thực hiện chuyển đổi từ 2020 đến 2024.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chỉ ra một số kết quả đáng chú ý: việc chuyển đổi đã lồng ghép được quy định về KCNST vào các văn bản pháp quy có liên quan về KCN và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Hỗ trợ thực hiện các giải pháp KCNST tại những doanh nghiệp (DN) hoạt động trong KCN, tiết kiệm điện, nước, vật liệu, giảm phát thải CO2, tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về KCNST. Nâng cao nhận thức, thực hiện tập huấn, đào tạo, tăng cường năng lực về KCNST.

Tại Việt Nam, mô hình KCNST được triển khai từ những năm 2014 trong đó phải kể đến một số mô hình KCNST tại các KCN Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình), Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc (Cần Thơ), Amata (Đồng Nai), và Hiệp Phước (TPHCM). Hiện Việt Nam có 436 KCN, thu hút khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng thêm hàng năm, trong đó hơn 300 KCN đang hoạt động tạo việc làm cho hơn 4,16 triệu lao động trực tiếp và đóng góp trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo định hướng quy hoạch quốc gia, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 575 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,93 nghìn hecta (tăng gần gấp 2 lần so với hiện nay).

Mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia là phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; phát triển các KCNST và giảm dần các KCN, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Giới chuyên gia nhận định, tại Việt Nam ngành công nghiệp là trụ cột của nền kinh tế. Các KCN không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn thúc đẩy sự phát triển của các DN trong nước, gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển các nghành công nghiệp chủ lực, góp phần hiện đại hệ thống hạ tầng đô thị.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững

Theo bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về năng lực cạnh tranh công nghiệp và ngày càng khẳng định vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một đất nước có nền công nghiệp phát triển bền vững, không thể tách rời việc bảo vệ quyền lợi môi trường và xã hội. Khu công nghiệp sinh thái không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh. Theo bà Thảo, UNIDO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi các mô hình KCN truyền thống sang mô hình KCNST, xây dựng nền tảng cho một ngành công nghiệp thông minh, bền vững và tạo ra giá trị gia tăng, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cộng đồng và các thế hệ tương lai.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, ngày 5/11 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận ngân sách 3.346.009 USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong các KCN tại Việt Nam. Khoản tài trợ này sẽ tạo điều kiện nhân rộng mô hình KCNST trên toàn quốc và dựa trên trên cơ sở những thành công trong giai đoạn 2014-2024, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp và tại các KCN, giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất tới môi trường và hỗ trợ các KCN ứng phó với biến đổi khí hậu.

NAM ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-manh-mo-hinh-cong-nghiep-sinh-thai-10294761.html