Đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược để nâng tầm dự báo
Trước một thế giới biến động không ngừng và ngày càng bất định, khó đoán, việc đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược để nâng cao chất lượng của dự báo đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nghiên cứu cơ bản chủ yếu hướng tới các mục tiêu học thuật, tập trung xây dựng lý thuyết để giải mã các hiện tượng, sử dụng bằng chứng thực nghiệm để kiểm chứng các giả thiết, từ đó khám phá các quy luật vận hành của hệ thống.
Trong quan hệ quốc tế, nghiên cứu cơ bản sẽ tập trung trả lời các câu hỏi như: Vì sao quyền lực lại đóng vai trò then chốt trong chính trị quốc tế? Mối quan hệ giữa lệ thuộc kinh tế và nguy cơ xung đột vũ trang là gì? Nghiên cứu cơ bản mong muốn tìm ra các mối quan hệ - nhân quả rõ ràng nên luôn đề cao tính chính xác, khoa học và hệ thống. Vì lẽ đó, nghiên cứu cơ bản không phải lúc nào cũng chỉ ra được những hàm ý chính sách cụ thể, kịp thời.
Nghiên cứu chiến lược tuy cũng đòi hỏi tính hệ thống nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu cụ thể của những người trực tiếp tham gia xây dựng chính sách và hoạch định chiến lược, do đó tập trung cung cấp những phân tích, đánh giá toàn diện, kịp thời về cục diện và các xu thế lớn của thời đại, từ đó đúc rút các hàm ý chính sách cụ thể.
Về bản chất, nghiên cứu chiến lược là nghiên cứu về những vấn đề có tính vĩ mô, dài hạn và hệ trọng đối với quốc gia, từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp để tham mưu cho các nhà lãnh đạo. Vì lẽ đó, những người làm nghiên cứu chiến lược vừa phải bám sát thực tiễn, nhu cầu của giới hoạch định chính sách ở cấp cao nhất, vừa phải có cơ sở lý luận vững chắc, dựa trên nền tảng khoa học.
Nhìn chung, nghiên cứu chiến lược phải cùng lúc cân bằng được cả ba yếu tố: tính chính xác, tính thời điểm và tính ứng dụng. Trong nghiên cứu chiến lược, chỉ trả lời được câu hỏi “Vì sao các cường quốc cạnh tranh quyền lực?” sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu ta không thể trả lời được câu tiếp theo là “Chúng ta nên làm gì để bảo đảm an ninh và sự phát triển phồn thịnh cho dân tộc của mình?”.
Thách thức và giải pháp trong nâng cao hiệu quả nghiên cứu chiến lược
Nếu như trước đây, khó khăn lớn nhất của người làm nghiên cứu là tìm kiếm các nguồn thông tin, tư liệu thì giờ đây một trong những vấn đề hàng đầu là tình trạng quá tải dữ liệu.
Khả năng tiếp cận khối lượng thông tin chưa từng có của thời đại Internet tuy là một lợi ích rõ rệt, nhưng thường dẫn đến việc người làm phân tích bị “ngợp” bởi lượng dữ liệu quá lớn, khiến họ bị “nhiễu”, khó đưa ra các phán đoán, phân tích và dự báo chính xác.
Trong tương lai xa, để vượt qua rào cản này, nhiều khả năng sẽ yêu cầu việc tích hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) sâu rộng vào trong quá trình nghiên cứu. Khác với con người, AI có khả năng sàng lọc lượng dữ liệu khổng lồ, nhanh chóng tìm ra các mối tương quan giữa các yếu tố khác nhau, từ đó chỉ ra các sự liên hệ và xu thế đáng chú ý. Trước mắt, các nhà nghiên cứu chiến lược sẽ cần phải từng bước thay đổi tư duy, xem dữ liệu lớn (big data) như nền tảng của mọi phân tích, đánh giá và dự báo chuyên sâu.
Một thách thức đáng kể khác trong nghiên cứu chiến lược là kết hợp, vận dụng các kiến thức liên ngành. Bản chất phức tạp, đa dạng của các vấn đề toàn cầu ngày một đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực khác nhau, trong khi ít chuyên gia nghiên cứu có kiến thức vừa sâu vừa rộng về nhiều lĩnh vực, chủ đề.
Giải pháp tất yếu là thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác liên ngành giữa các chuyên gia. Các nghiên cứu chiến lược trong thế kỷ XXI sẽ cần tập hợp được những nhóm chuyên gia đa dạng, đến từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Các hội thảo liên ngành thường xuyên và các dự án nghiên cứu chung sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác liên ngành này, đồng thời tạo kênh chia sẻ thông tin thường xuyên giữa những chuyên gia có chung mối quan tâm nhưng kiến thức khác biệt. Về lâu dài, điều quan trọng nhất là tạo ra được những cơ chế hợp tác thường xuyên liên bộ, liên ngành.
Tuy nhiên, có lẽ thách thức lớn nhất trong nghiên cứu chiến lược vẫn là cân bằng giữa tính khoa học của nghiên cứu và tính thiết thực về mặt kiến nghị chính sách. Giới học thuật, dù là ở những quốc gia có nền khoa học phát triển bậc nhất thế giới như Mỹ, vẫn có xu hướng nghiên cứu những vấn đề “ngách” mà giới hoạch định chính sách ít quan tâm. Hơn nữa, ngôn ngữ hàn lâm của các công trình nghiên cứu thường tạo ra rào cản lớn, khiến nhiều độc giả tiềm năng khó tiếp cận.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của nghiên cứu chiến lược, ưu tiên cao nhất phải là tạo ra sự gắn kết giữa những người làm nghiên cứu và những người làm chính sách. Người làm chính sách có nhiệm vụ cung cấp các thông tin cập nhật nhất, đồng thời đưa ra các đề bài cụ thể cho giới nghiên cứu. Ngược lại, người làm nghiên cứu cần sẵn sàng phản biện chính sách, đồng thời tập trung nghiên cứu, làm rõ những vấn đề mà giới hoạch định chính sách quan tâm, thông qua những sản phẩm học thuật đa dạng, từ các báo cáo ngắn, các chương trình mô phỏng giả lập, cho tới các buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức. Điểm mấu chốt là hai bên cần có sự phân công rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng với nhau để tạo ra sự tham mưu, tham vấn cho Đảng và Nhà nước vừa kịp thời, vừa sâu sắc, vừa có tính khoa học cao.
Nghiên cứu tốt, dự báo tốt
Nhiệm vụ của người làm dự báo là vận dụng các dữ liệu sẵn có và sự hiểu biết đã đúc kết được để đưa ra các nhận định, đánh giá về tương lai. Nội dung của các dự báo có thể rất đa dạng, từ đánh giá khả năng giành chiến thắng của các ứng viên tranh cử ở một quốc gia bất kỳ cho tới chỉ ra những tác động ngắn và dài hạn của một sự kiện như xung đột Nga - Ukraine.
Bằng việc giúp các nhà lãnh đạo nhìn được xa hơn và sớm hơn các kịch bản khả dĩ, dự báo cho phép đưa ra những quyết sách phù hợp, giúp chủ động thích nghi với môi trường quốc tế biến động không ngừng, tránh vấp phải những bất ngờ chiến lược.
Là một quốc gia nằm trong khu vực địa chính trị phức tạp, việc dự báo được sớm và chính xác về các nguy cơ, tác động và xu thế lớn là tối quan trọng để Việt Nam có thể bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, nâng cao khả năng tự chủ hướng tới tự chủ chiến lược. Việc “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” sẽ là nhiệm vụ bất khả thi nếu không thể dự báo trước các xu hướng, thách thức và cơ hội trong tương lai.
Nghiên cứu chiến lược hiệu quả, tích hợp được những hiểu biết sâu sắc từ nhiều ngành khác nhau như khoa học chính trị, kinh tế và xã hội học, sẽ luôn là nền tảng thiết yếu cho công tác dự báo.
Bằng cách kết hợp lý thuyết quan hệ quốc tế với những phân tích được lượng hóa về tình hình cũng như xu thế toàn cầu, nghiên cứu chiến lược giúp chỉ ra các động lực cơ bản và mối quan hệ nhân - quả chính yếu cấu thành nên sự vận động của hệ thống, trật tự hiện nay.
Sự hiểu biết toàn diện này cho phép các nhà phân tích không chỉ diễn giải được chính xác hàm ý của các sự kiện mới xảy ra mà còn đánh giá được quỹ đạo tiềm năng của những sự kiện này trong tương lai. Vì vậy, nghiên cứu chiến lược trang bị cho các nhà dự báo sự hiểu biết sâu sắc, đa chiều hơn về thế giới, cho phép họ đưa ra những dự báo chính xác, có cơ sở khoa học về các hiện tượng toàn cầu phức tạp, đa tầng nấc.
Nhìn chung, nghiên cứu chiến lược không chỉ cung cấp thông tin cho các nhà dự báo về những gì đang xảy ra trên thế giới mà còn hướng dẫn họ hiểu tại sao những sự kiện này lại xảy ra và chúng có thể diễn ra như thế nào trong tương lai, từ đó cung cấp cơ sở tin cậy hơn để đưa ra dự báo chính xác và kịp thời trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp và khó lường.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/day-manh-nghien-cuu-chien-luoc-de-nang-tam-du-bao-259873.html