Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh đã tập trung nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng, công nghệ trong sản xuất nông sản đến với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Đề tài “Trồng thử nghiệm một số giống táo mới có năng suất cao,

Đề tài “Trồng thử nghiệm một số giống táo mới có năng suất cao,

chất lượng tốt tại Sơn La” được triển khai thực hiện ở huyện Mai Sơn.

Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu với UBND tỉnh chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả đề tài, dự án khoa học công nghệ đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thông báo về nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu của Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Chương trình khoa học công nghệ vùng Tây Bắc, Dự án khoa học công nghệ thuộc Chương trình nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số đến các huyện, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đề xuất xây dựng kế hoạch nhiệm vụ khoa học phù hợp tình hình thực tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn từ 2016 - 2019, đã có 59 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh được triển khai, trong đó lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm trên 60%. Một số đề tài, dự án tiêu biểu, sau khi triển khai tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả, như: Xây dựng mô hình sản xuất giống và cải tạo vườn bơ theo tiêu chuẩn VietGAP tại Mộc Châu; nghiên cứu bảo tồn nguồn gen xoài tròn Yên Châu; xây dựng mô hình thâm canh bưởi chất lượng cao tại Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn; trồng thử nghiệm dược liệu tại huyện Vân Hồ và huyện Mộc Châu; trồng thử nghiệm một số giống táo mới có năng suất cao, chất lượng tốt tại Sông Mã, Mường La, Mai Sơn; dự án chế biến sản xuất rượu vang, nước hoa quả từ quả sơn tra tại huyện vùng cao Bắc Yên... Thông qua việc triển khai các đề tài, dự án, một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, như: Nhãn, xoài, bơ, sơn tra, cà phê, chè, các loại rau củ quả an toàn ngày càng mở rộng tới các thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm hoa quả của bà con sản xuất ra đã gắn với xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, góp phần đưa Sơn La trở thành tỉnh có các sản phẩm nông sản vượt trội một số tỉnh miền núi phía Bắc về số lượng, chất lượng. Đây cũng là thành tựu mà ngành khoa học công nghệ của tỉnh đã đóng góp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ vùng dọc quốc lộ 6, mà còn lan tỏa khắp các huyện, xã vùng cao, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Điển hình như Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống khoai sọ mán theo hướng sản xuất hàng hóa” của Trường Cao đẳng Sơn La đã thực hiện thử nghiệm tại huyện Vân Hồ từ năm 2017. Sau hơn 2 năm triển khai, trên cơ sở nghiên cứu điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và sự phân bố vùng trồng, nhóm thực hiện đề tài triển khai xây dựng mô hình trồng khoai sọ mán tại HTX Rau an toàn Vân Hồ, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ với tổng diện tích 14.000 m2. Kết quả từ mô hình cho thấy, bà con được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng khoai sọ, khi thu hoạch năng suất, chất lượng của giống khoai sọ mán tăng cao, đạt từ 6 – 12 tấn/ha, trọng lượng từ 300g đến 1 kg/củ, sắc tố thịt củ khoai có màu vàng nhạt đến vàng đậm tùy theo độ già của củ, khi nấu chín có đặc trưng bở dẻo, thơm, bùi ngậy, ngọt đậm vị. Việc áp dụng quy trình sản xuất khoai sọ mán an toàn tại HTX Rau an toàn Vân Hồ được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là điều kiện để huyện Vân Hồ từng bước mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khoai sọ địa phương, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng dân tộc.

Bên cạnh những đề tài, dự án cấp tỉnh đang được triển khai, thực hiện, từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai 9 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi vùng dân tộc thiểu số, nổi bật là: Ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống và nuôi dê lai thương phẩm; sản xuất cà phê chè bền vững; sản xuất và chế biến rau an toàn, chất lượng cao tại huyện Vân Hồ; phát triển nguồn giống và trồng rừng thông Caribee tại tỉnh Sơn La; nhân giống bơ chất lượng tại Mộc Châu... Thông qua các dự án đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tập huấn cho hàng nghìn lượt người vùng dự án và lân cận vùng dự án là đồng bào dân tộc thiểu số từ kỹ thuật sản xuất đến công nghệ, sơ chế bảo quản, tiếp cận với thị trường trong và ngoài tỉnh nhằm bao tiêu sản phẩm nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Những kết quả đạt được từ việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên xóa đói nghèo, làm giàu bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn tỉnh.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/day-manh-nghien-cuu-chuyen-giao-cong-nghe-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-26787