Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế
Từ những ngày đầu năm mới, nhiều hoạt động ngoại giao nhằm tận dụng các thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước
Năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới, ngành ngoại giao đã nỗ lực đẩy mạnh công tác ngoại giao toàn diện phục vụ phát triển, với ngoại giao kinh tế làm nòng cốt, góp phần đưa đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn và đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Khai phá nhiều thị trường mới
Dấu ấn nổi bật nhất là thành công ngoại giao vắc-xin được triển khai một cách thần tốc, đạt kết quả vượt kỳ vọng, góp phần đẩy nhanh kỷ lục tốc độ tiêm chủng, cho phép đất nước vượt qua tình thế hiểm nghèo nhất, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp (DN) được đẩy mạnh nhằm góp phần tranh thủ xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và tháo gỡ khó khăn trong quan hệ với các nước để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác kinh tế trên mọi lĩnh vực.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến trực tiếp và trực tuyến để thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm đối tác, thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày...
Đặc biệt, các buổi làm việc, tọa đàm, kết nối trực tuyến được tăng cường nhằm đẩy mạnh giao thương với các thị trường lớn, thị trường truyền thống: Mỹ, các nước châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...; khai phá các thị trường nhiều tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi, thúc đẩy mở cửa du lịch quốc tế an toàn... Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương đẩy mạnh tiến trình phê duyệt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm đưa hiệp định quan trọng này chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 như đã thỏa thuận…
Tận dụng các quan hệ
Nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế và chuyên gia cho rằng năm 2022 sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thách thức trong tiến trình phục hồi kinh tế thế giới. Với Việt Nam, năm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm tạo đà cho sự phục hồi kinh tế - xã hội và tạo lập nền tảng cho các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và sau đó như Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 sẽ tập trung vào việc tận dụng các khuôn khổ quan hệ để tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa nước ta với các đối tác chủ chốt, đối tác tiềm năng, qua đó tiếp tục tranh thủ xu hướng phục hồi của các nước và các cơ hội hợp tác trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các nội hàm ngoại giao mới gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng bền vững, tận dụng tối đa những thành tựu của chuyển đổi số, trong đó bao gồm ngoại giao công nghệ, ngoại giao biến đổi khí hậu, ngoại giao nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại giao tập đoàn, ngoại giao y tế…
"Đặc biệt, một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là chúng ta cần kiểm điểm, tổng kết hơn 10 năm triển khai Chỉ thị 41 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và trên cơ sở đó xây dựng một chỉ thị mới của Ban Bí thư về đẩy mạnh triển khai đồng bộ toàn diện công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030 như một kim chỉ nam cho các hoạt động ngoại giao kinh tế của đất nước nói chung và ngành ngoại giao nói riêng trong thời gian tới" - Thứ trưởng Vũ Quang Minh nhấn mạnh.
Thành lập nhóm nghiên cứu liên vụ
Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam chịu sự tác động to lớn của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo thành lập nhóm nghiên cứu liên vụ về các lĩnh vực kinh tế, nghiên cứu - chiến lược, chính sách đối ngoại, tổ chức quốc tế, lãnh sự... để khẩn trương tiến hành nghiên cứu, tham mưu về tình hình dịch bệnh và đề xuất các giải pháp báo cáo trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Qua đó, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan đã tham khảo kịp thời đề ra quyết sách hết sức quan trọng chuyển chiến lược của Việt Nam sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và khôi phục, phục hồi kinh tế - xã hội.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/day-manh-ngoai-giao-kinh-te-20220207214411481.htm