Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để có thêm nhiều tập đoàn như NVIDIA, Apple, Intel,... đến Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan ngoại giao tiếp tục làm tốt việc kết nối kinh tế thế giới với nền kinh tế Việt Nam, kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, kết nối các địa phương của các nước với các địa phương Việt Nam.
Chiều 18/7, đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Báo cáo tại Hội nghị Bộ Ngoại giao cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng.
Đồng thời, góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới và tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Công tác rà soát tình hình thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế được triển khai quyết liệt với cơ chế họp định kỳ hàng tháng, với gần 400 thỏa thuận của các bộ, ngành và các địa phương được rà soát, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai và tháo gỡ vướng mắc.
Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.
"Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Việt Nam, như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens... các đoàn hàng trăm doanh nghiệp lớn từ Bắc Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản...", Bộ Ngoại giao cho biết.
Cùng với đó, tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 FTA đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới; tích cực tham mưu, thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành mới, đột phá.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoàiphải bám sát yêu cầu phát triển đất nước và nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương trong nước, làm tốt việc kết nối kinh tế thế giới với nền kinh tế Việt Nam, kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, kết nối các địa phương của các nước với các địa phương Việt Nam.
Để góp phần thúc đẩy động lực xuất khẩu, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan đại diện cần đẩy mạnh quảng bá ra thế giới về các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh; cũng như tăng cường giới thiệu về môi trường, đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nhất là về các chính sách mới, các thành tựu phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
"Chúng ta đã xác định mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho cả năm 2024 từ 6,5 - 7%, tiếp tục đẩy mạnh triển khai ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực", Thủ tướng nói và yêu cầu làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…), lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA, thúc đẩy việc mở rộng các thị trường Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, sản phẩm Halal; theo dõi sát tình hình về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa.
Đặc biệt, nghiên cứu chính sách visa phù hợp để tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách, tận dụng những cơ hội có thể để xuất khẩu lao động ra các nước.