Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, nội dung sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tập trung vào vấn đề tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để cho các bộ ngành địa phương, các đơn vị cơ sở thực hiện; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác.

Ngày 29/8, Cục Quản lý công sản tổ chức Hội nghị lấy kiến các Bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là các luật do Quốc hội ban hành để sửa đổi bổ sung. Đợt này sẽ sửa 13 luật, trong đó tập trung nhóm các luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính. Trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuộc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, trong đó bao gồm việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

 Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật số 15/2017/QH14) được Quốc hội khóa 14 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống thất thoát, lãng phí tài sản công. Tuy nhiên, thực tế có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định tại Luật đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp. Do đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung và xin ý kiến các Bộ, ngành tại hội nghị hôm nay.

Theo ông Thịnh, nội dung sửa đổi Luật tập trung vào 2 nhóm vấn đề: Thứ nhất, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để cho các bộ ngành địa phương, các đơn vị cơ sở thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính chủ yếu xử lý các vấn đề liên bộ, các vấn đề giữa trung ương và địa phương. Đối với các vấn đề khác sẽ do các bộ ngành và địa phương quyết định. Đồng thời gắn việc phân cấp, phân quyền với công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Thứ hai việc sửa đổi, bổ sung các nội dung của dự thảo Luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Đất đai, các luật liên quan đến tài nguyên...

Giới thiệu tóm tắt nội dung chính của dự thảo Luật, bà Trần Diệu An, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản nêu rõ, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các Điều: 26, 39, 40, 41, 45, 56, 57, 58, 61, 78, 80, 81, 87, 109, 110, 113, 120 được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay; Bổ sung Điều 47a, Điều 93a quy định về hình thức chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý; Thay thế, bổ sung, bãi bỏ một số cụm từ của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Dự thảo Luật với nhiều sửa đổi, bổ sung, được thiết kế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các Bộ ngành, địa phương. Điển hình như: Sửa đổi quy định về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm ban hành định mức chi bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công gắn với việc xác định cụ thể căn cứ ban hành định mức, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ cơ chế Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công.

Sửa đổi quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng giao Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án để tăng tính chủ động cho Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong công tác quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình, phù hợp với thực trạng tài sản và yêu cầu quản lý tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của mỗi Bộ, ngành, địa phương.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/day-manh-phan-cap-phan-quyen-trong-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-d51561.html