Đẩy mạnh phân cấp quản lý và đầu tư xây dựng trường học

Công tác xã hội hóa giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, số trường tư thục tăng cả về số lượng và chất lượng. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý và đầu tư xây dựng trường học cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải quyết các dự án.

Tại Hội nghị Đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2024, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã thông tin về tình hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo đó về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đến tháng 7/2024, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 79,6% (1.789/2.251 trường). Mỗi xã, phường, thị trấn có trường công lập theo tiêu chí: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, đảm bảo 3 - 5 vạn dân có 1 trường trung học phổ thông, đáp ứng chỉ tiêu tối thiểu tại Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố và Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội tại Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND Thành phố.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý và đầu tư xây dựng trường học cho UBND cấp huyện nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải quyết các dự án. Trên địa bàn Thành phố có 151 dự án đầu tư xây dựng trường học nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn đầu tư trong nước) được cấp giấy chứng nhận đầu tư/chấp thuận chủ trương đầu tư/cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong đó, 62 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 89 dự án đang triển khai.

Công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, số trường tư thục tăng cả về số lượng và chất lượng. Số trường tư thục chiếm 20,5% (591/2.874 trường). Số học sinh 14,8%, với 24.148 giáo viên, 8.000 nhân viên đã tạo việc làm cho lực lượng lao động với mức thu nhập và các chế độ, chính sách ưu đãi tương đương hoặc hơn mức thu nhập tại các trường công lập, mỗi năm thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng gần 2.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động.

Năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh, đào tạo cho 246.100 lượt người. Trong 7 tháng năm 2024, các đơn vị đã tuyển sinh, đào tạo 132.900 người (đạt 56,6% kế hoạch đề ra); trong đó: 17.700 người trình độ cao đẳng, 15.530 người trình độ trung cấp; 99.580 người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng).

Tỷ lệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ từ 70 - 80%. Một số ngành nghề học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100%.

Trên địa bàn Thành phố có khoảng 67 dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (vốn đầu tư trong nước) được cấp giấy chứng nhận đầu tư/chấp thuận chủ trương đầu tư/cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 10.684 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 50 dự án đang triển khai; 5 dự án mới có chủ trương đầu tư; 4 dự án chấm dứt hoạt động.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông tin tại hội nghị.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông tin tại hội nghị.

Về lĩnh vực y tế, tính đến 20/5, toàn Thành phố có 488/579 (84,28%) xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 9/3/2023 của Bộ Y tế.

Trong năm 2023, Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho 483 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập thuộc các doanh nghiệp sau đăng ký thành lập gồm 227 cơ sở kinh doanh dược, 256 phòng khám trực thuộc công ty. Các doanh nghiệp sau đăng ký thành lập được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tổng quan các dự án xã hội hóa bệnh viện có sử dụng đất đang triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội: Qua rà soát, trên địa bàn Thành phố có 1 dự án hoàn thành giai trong giai đoạn 2021 - 2025 và 16 dự án xã hội hóa bệnh viện có sử dụng đất đang triển khai (các dự án này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và văn bản pháp lý tương đương) với tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 16.744 tỷ đồng; quy mô giường bệnh 5.352 giường bệnh.

Về lĩnh vực văn hóa, thể thao, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trên địa bàn Thành phố đã bị gián đoạn trong một thời gian dài. Năm 2022 và 2023 được cho là năm bắt đầu tiến trình phục hồi của các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố. Từ thực tế quản lý cho thấy, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tăng lên một cách đáng kể, nội dung tác phẩm, hình thức thể hiện cũng ngày một phong phú.

Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Nhiều vận động viên của Hà Nội đóng góp thành tích lớn cho nền thể thao nước nhà ở các giải đấu lớn khu vực và thế giới. Thành phố đã quy hoạch và xây dựng chiến lược cụ thể phát triển thể thao có tầm nhìn xa.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-phan-cap-quan-ly-va-dau-tu-xay-dung-truong-hoc-175422.html