JPMorgan: Gỡ nút thắt Pre-funding sẽ giúp FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi trong vòng 12 tháng tới

Việt Nam sẽ bãi bỏ yêu cầu các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền trước khi thực hiện cho các giao dịch cổ phiếu, đánh dấu nỗ lực mới nhất nhằm tăng cơ hội được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Hôm thứ Tư (18/9), Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư sửa đổi 4 thông tư (Thông tư 68/2024) liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 2/11/2024.

"Các công ty chứng khoán sẽ đánh giá rủi ro để xác định tỷ lệ pre-funding cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi đặt lệnh mua. Nếu nhà đầu tư nước ngoài không hoàn tất thanh toán, công ty chứng khoán sẽ chịu trách nhiệm", Thông tư nêu rõ.

FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi vào tháng 9/2018 do tiến độ cải thiện khả năng tiếp cận cổ phiếu địa phương chậm. Việc mở rộng tiếp cận thị trường có thể giúp thu hút thêm dòng vốn nước ngoài vào một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm nay.

"Với kỳ vọng về sự nâng hạng diễn ra vào năm 2025, tôi hy vọng các công ty bluechip vốn hóa lớn sẽ hoạt động tốt", Ruchir Desai, đồng quản lý quỹ tại AFC Asia Frontier Fund cho biết. Ông cho biết quy tắc pre-funding "là điểm bế tắc chính".

"Chúng tôi cho rằng những thay đổi sẽ cho phép FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi trong vòng 12 tháng tới, dẫn đến hơn 500 triệu USD dòng tiền thụ động đổ vào thị trường và khả năng điều chỉnh tích cực từ MSCI", báo cáo từ JPMorgan Market Research cho biết.

Trong khi đó, SSI Research dự báo rằng, Việt Nam có thể nhận được dòng vốn thụ động lên tới 1,7 tỷ USD sau khi được đưa vào chỉ số FTSE, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động. Các cổ phiếu hưởng lợi là VNM, VHM, VIC, HPG, VCB, SSI, MSN, VND, DGC, VRE, VCI.

Khối ngoại đã chuyển sang mua ròng cổ phiếu trong nước trong tuần qua, được hỗ trợ bởi sự tăng giá của đồng tiền vào tháng 9, phản ánh sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định chính trị.

Dòng vốn tăng sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu nâng giá trị thị trường của thị trường chứng khoán lên từ 100% đến 120% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2030. Chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm tới.

"Mặc dù dòng vốn nước ngoài bổ sung ngay lập tức có thể vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng sự chấp thuận này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cải cách quy định", Tyler Manh Dung Nguyen, chuyên gia tại Chứng khoán HSC cho biết.

Cả chỉ số MSCI và FTSE hiện đều xếp Việt Nam vào thị trường cận biên, điều này ngăn cản nhiều quỹ, văn phòng gia đình và các tổ chức khác đầu tư vào các công ty niêm yết tại đây.

Việc ban hành Thông tư 68/2024 diễn ra trước thông báo của FTSE về phân loại thị trường vào ngày 8/10, mặc dù các nguồn tin từ Reuters cho biết, FTSE khó có thể công bố việc nâng hạng cho Việt Nam trong báo cáo tháng 10.

Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu được nâng hạng vào năm 2025, nếu FTSE xem các cải cách hiện tại là đủ vào cuộc họp thường kỳ tiếp theo về vấn đề này trong quý đầu năm tới.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã thúc giục các cải cách bổ sung, bao gồm việc nới lỏng các giới hạn nghiêm ngặt về quyền sở hữu nước ngoài đối với các công ty niêm yết.

Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng các đợt nâng hạng có thể kích hoạt dòng tiền ròng từ 5 tỷ đến 25 tỷ USD vào thị trường Việt Nam vào cuối thập kỷ này.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/jpmorgan-go-nut-that-pre-funding-se-giup-ftse-nang-hang-viet-nam-len-thi-truong-moi-noi-trong-vong-12-thang-toi-post354120.html