Đẩy mạnh 'phân luồng', giảm áp lực thi vào lớp 10 ở ĐBSCL
Đầu tháng 6, học sinh lớp 9 ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025.
Nhiều địa phương có số lượng thí sinh dự thi tăng cao nên áp lực đầu vào một số trường khá lớn.
“Cuộc đua” nóng bỏng
Qua thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có 21.068 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập. Trong khi đó năm học 2024 - 2025, các trường THPT trong tỉnh chỉ tuyển khoảng 19.890 học sinh lớp 10 (xấp xỉ 1.200 thí sinh không trúng tuyển).
Nhiều trường có số lượng hồ sơ nộp vào cao hơn số cần tuyển khá nhiều. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho) có 1.652 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10. Nhà trường dự kiến tuyển 15 lớp 10, với khoảng 675 học sinh (so với số đăng ký dự thi vào trường chênh lệch 977 thí sinh).
Trường THPT Trương Định (TP Gò Công) dự kiến tuyển 14 lớp 10, với 630 học sinh. Trong khi đó, số thí sinh nộp đơn đăng ký dự thi vào trường gần 1.049, chênh lệch 419 thí sinh. Tương tự, Trường THPT Phạm Thành Trung (huyện Cái Bè) nhận 848 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ tuyển 675 học sinh, chênh lệch 173 thí sinh. Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) nhận 1.113 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ tuyển 675 học sinh, chênh lệch 438 thí sinh…
Trước tình hình số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng, tỉnh Tiền Giang đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Theo đó, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh tuyển 442 lớp 10, tăng 34 lớp so với năm học trước. Như vậy, bình quân mỗi lớp 45 học sinh thì dự kiến toàn tỉnh tuyển tăng 1.530 học sinh.
Với giải pháp này, “cuộc đua” vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 - 2025 bớt căng thẳng. Tuy vậy, tỷ lệ chọi một số trường THPT ở mức cao, đòi hỏi thí sinh phải thật sự cố gắng mới có thể giành vé vào lớp 10 trường THPT công lập.
Theo thầy Nguyễn Phúc Viễn - Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), tăng, giảm hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập hàng năm nằm trong quy luật tự nhiên. Trên thực tế một vài năm có số lượng học sinh lớp 9 rất cao, nhưng có năm ở ngưỡng bình thường và có năm số lượng ít hơn. Tuy nhiên, để xét điểm chuẩn hằng năm cao hay thấp phải căn cứ vào nhiều yếu tố như chất lượng làm bài của thí sinh, mặt bằng điểm thi…
Năm học 2023 - 2024, toàn thành phố Cần Thơ có trên 17.400 học sinh lớp 9; trong đó trên 15.300 nguyện vọng nộp vào 28 trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Tổng chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh lớp 10 của các trường THPT công lập trên địa bàn là trên 11 nghìn học sinh.
Các trường THPT có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng nhiều là: Bình Thủy (1.070 hồ sơ/630 chỉ tiêu), An Khánh (1.000 hồ sơ/480 chỉ tiêu), Phan Văn Trị (785 hồ sơ/560 chỉ tiêu), Phan Ngọc Hiển (784 hồ sơ/520 chỉ tiêu), Thốt Nốt (740 hồ sơ/620 chỉ tiêu)... Trong khi đó, Trường THPT Châu Văn Liêm có 731 hồ sơ/585 chỉ tiêu; Trường THPT Thực hành Sư phạm (Trường ÐH Cần Thơ) là 440 hồ sơ/216 chỉ tiêu; Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng có 674 hồ sơ/420 chỉ tiêu…
Đẩy mạnh phân luồng sau THCS
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ cho biết: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT đã sẵn sàng. Thành phố đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực để phục vụ kỳ thi.
Cùng đó ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế, xã hội, con người và phân luồng sau THCS; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, cha mẹ thông qua năng lực, sở trường, điều kiện để các em có định hướng tương lai.
TP Cần Thơ dự kiến có hơn 4 nghìn học sinh phải chọn ngã rẽ khác ngoài lớp 10 THPT công lập. Sở GD&ĐT Cần Thơ đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT tổ chức, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phối hợp trường trung cấp, cao đẳng tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 về các ngành nghề, cơ hội việc làm sau khi học nghề để có định hướng, lựa chọn phù hợp sau tốt nghiệp THCS.
Đồng thời phối hợp UBND quận, huyện chỉ đạo trung tâm GDNN - GDTX chủ động phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng mở lớp vừa học văn hóa, vừa học nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em tiếp tục học sau khi tốt nghiệp THCS.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, nhiều năm qua, tỉnh có từ 70% - 75% học sinh được tuyển vào lớp 10. Số học sinh còn lại được phân luồng vào trung tâm GDTX, trường dạy nghề hoặc tham gia vào thị trường lao động. Trong năm 2024, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh dự kiến tuyển sinh đào tạo 13.193 học sinh, sinh viên và học viên.
Trong đó, có 3.063 em trình độ trung cấp, cao đẳng và 10.130 học viên trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; hỗ trợ đào tạo 4 nghìn lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 55,5%... Các trường nghề sẽ là điểm đến cho học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập. Trong quá trình đào tạo, các em được miễn học phí, đào tạo nghề và học bổ túc văn hóa phổ thông.
Chia sẻ về công tác phân luồng của nhà trường, thầy Nguyễn Công Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hòa (Châu Thành, Tiền Giang) cho hay: Trường có 4 lớp 9, với 154 học sinh. Căn cứ kết quả học tập từ đầu năm đến hết học kỳ I và kết quả thi giữa học kỳ II, trường cùng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tiến hành phân luồng. Với học sinh có thành tích học tập tốt, giáo viên hướng chọn trường phù hợp; những em học lực yếu, không có nhu cầu thi thì chọn trường nghề, trung tâm GDTX hay trường ngoài công lập...
Thầy Nguyễn Công Tuấn cho biết: Thời điểm gần cuối năm học, trường đón các đoàn từ trường THPT, cao đẳng, trung cấp nghề đến tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Bên cạnh đó, nhà trường mời phụ huynh khối 9 họp, tư vấn để có những định hướng trước kỳ thi lớp 10.