Đẩy mạnh phát triển bệnh viện thông minh

Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nghị quyết nêu rõ chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số, từ đó tạo nền tảng để Khánh Hòa trở thành trung tâm của khu vực và cả nước về chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Để thực hiện nhiệm vụ trên, ngành Y tế tỉnh xác định yếu tố then chốt là phải phát triển mạng lưới y tế, cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng thông minh.

Nhiều nỗ lực

Để xây dựng hệ thống y tế thông minh cần 5 vấn đề then chốt, đó là cơ sở hạ tầng số, hồ sơ sức khỏe điện tử, trí tuệ nhân tạo gắn với phân tích dự đoán, y tế từ xa gắn với chăm sóc sức khỏe ảo, an ninh mạng. Tại Khánh Hòa, hệ thống bệnh viện công lập tuyến tỉnh cũng như các bệnh viện y tế tư nhân đã và đang triển khai các giải pháp hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh, từ đó dần hình thành một mạng lưới y tế thông minh linh hoạt và hiện đại.

Xác định rõ vai trò là bệnh viện hạt nhân của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ trong cung ứng dịch vụ y tế tiên tiến, chuyên sâu, những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tích hợp hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS); phát triển các dịch vụ y tế thông minh vào đăng ký khám bệnh trực tuyến, tra cứu kết quả xét nghiệm qua ứng dụng di động, thanh toán không dùng tiền mặt; đầu tư các hệ thống trang thiết bị tích hợp các ứng dụng trí tuệ nhân tạo; hệ thống máy EVIS XI CV - 1500 kèm box Al trong nội soi tiêu hóa; hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa và hệ thống thông tin kết nối chẩn đoán hình ảnh. Cùng với đó, bệnh viện đã tổ chức một số diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp công nghệ, đơn vị y tế trong và ngoài nước để nắm bắt các giải pháp và xu hướng triển khai mô hình bệnh viện thông minh cho các năm tiếp theo... Nhờ đó, chất lượng điều trị tại bệnh viện ngày càng nâng cao, kết nối nhiều chuyên gia trong nước về tại bệnh viện điều trị cho người dân ở tỉnh và các tỉnh lân cận.

Thực hiện nội soi có tích hợp Al tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thực hiện nội soi có tích hợp Al tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở tỉnh hầu hết đều đã trang bị kiosk y tế thông minh tại bệnh viện - thiết bị tự phục vụ tại các cơ sở y tế, giúp bệnh nhân thực hiện các thủ tục khám, chữa bệnh như: đăng ký, thanh toán viện phí, tra cứu thông tin… Riêng Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh đã triển khai bệnh án điện tử.

Vẫn còn khó khăn

Hệ thống y tế thông minh không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà còn là mô hình chuyển đổi tổng thể, trong đó con người là trung tâm. Công nghệ là công cụ với mục tiêu hướng đến phục vụ người bệnh. Do đó, để xây dựng hệ thống y tế thông minh đòi hỏi tổng hòa của nhiều yếu tố, từ nguồn kinh phí đến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách…

Hiện nay, việc xây dựng và phát triển ngành Y tế tỉnh vẫn còn một số tồn tại và hạn chế, như: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế chưa đồng bộ giữa các vùng miền, địa phương; thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao, nhân lực giỏi về công nghệ; ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành Y tế còn hạn chế; tỷ lệ đầu tư xã hội hóa vào ngành Y tế còn khá khiêm tốn... khiến mục tiêu hướng đến xây dựng hệ thống y tế thông minh của ngành còn gặp nhiều khó khăn. Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Duy Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định: “Việc triển khai mô hình bệnh viện thông minh không phải là một bài toán dễ dàng. Để hướng đến bệnh viện thông minh thì nguồn lực tài chính đầu tư và duy trì hệ thống công nghệ thông tin rất lớn. Đó là khó khăn lớn nhất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng và các bệnh viện trong tỉnh nói chung. Bên cạnh đó, cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật chuyên sâu thì phải đào tạo nhân lực am hiểu và có năng lực công nghệ thông tin theo hướng bệnh viện thông minh, mảng này hiện nay chúng tôi hoàn toàn trống”.

Nhận thấy những khó khăn trên, mới đây, HĐND tỉnh đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Cơ chế, chính sách đặc thù thu hút nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển y tế chất lượng cao và hướng đến hệ thống y tế thông minh - Bài học kinh nghiệm trên thế giới và Việt Nam”. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ ngành Y tế đã có những kiến nghị, đề xuất có ý nghĩa liên quan đến nội dung xây dựng hệ thống y tế thông minh cho tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 5 năm tới. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ như: Chuyển đổi số; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn sâu; xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách để triển khai nhiều mô hình khám, chữa bệnh theo hướng tiện ích và số hóa, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trong lĩnh vực y tế… Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Y tế thông minh được xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình chuyển đổi số, với mục tiêu ứng dụng nền tảng số để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm chi phí và tối ưu hiệu quả vận hành. Do đó, ngành Y tế tỉnh cần tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ cốt lõi: Triển khai đồng bộ hệ thống bệnh án điện tử, đơn thuốc số và hồ sơ sức khỏe cá nhân kết nối với nền tảng quốc gia; ứng dụng AI trong chẩn đoán, quản lý bệnh viện và dự báo dịch bệnh; phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa và các ứng dụng y tế thông minh phục vụ người dân”.

Với sự quan tâm sâu sắc của trung ương và địa phương khi định hướng phát triển y tế thông minh trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh; cùng với thời cơ và thuận lợi khi tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng; Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia - đặc biệt trong lĩnh vực y tế…, tất cả được xem là điều kiện để ngành Y tế tỉnh thu hút nguồn lực đầu tư, bắt nhịp và bứt phá với nhiều mô hình y tế thông minh trong thời gian tới.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/dua-nq09-vao-cuoc-song/202507/day-manh-phat-trien-benh-vien-thong-minh-50f2633/