Đăng ảnh AI để 'câu like': Coi chừng vi phạm pháp luật

Gần đây dấy lên những lo ngại về việc dùng công nghệ tạo ảnh AI, deepfake để làm câu view, câu like nhưng thay vì mang phút giây thư giãn lại gây bất ổn, khó phân thật giả cho xã hội.

Đừng vì like, view mà đăng ảnh deepfake bất chấp hậu quả

Đừng vì like, view mà đăng ảnh deepfake bất chấp hậu quả

Á hậu 1 Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 Lê Phương Thảo vừa tạo ra làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội khi chia sẻ hình ảnh do AI tạo ra. Trong bức ảnh này, Lê Phương Thảo xuất hiện với tư thế tạo dáng bên chiếc xe sang, trong khi những nhân vật mặc trang phục giống cảnh sát giao thông đang tiến hành lập biên bản. Đi kèm là dòng trạng thái mang tính hài hước với các biểu tượng cảm xúc: "Mời chị ký vào đây".

Bài đăng theo trend "phú bà, đại gia bị xử phạt giao thông" này nhanh chóng lan truyền rộng rãi nhưng cũng gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Không ít người cho rằng nội dung này có thể gây hiểu lầm khi đưa hình ảnh lực lượng chức năng vào một tình huống không có thật.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh rằng những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội cần thận trọng hơn khi sử dụng hình ảnh liên quan đến cơ quan chức năng. Trước làn sóng chỉ trích, Phương Thảo đã quyết định gỡ bỏ hình ảnh gây tranh cãi này vào ngày 8.7.

Việc này cũng làm dấy lên những lo ngại về việc dùng công nghệ AI, deepfake để làm câu view, câu like nhưng thay vì mang phút giây thư giãn lại gây bất ổn, khó phân thật giả cho xã hội. Điều đó khiến mỗi người chúng ta cần trang bị kỹ kiến thức pháp luật, ngay cả khi sử dụng AI trên thế giới ảo.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có luật riêng về deepfake hay AI tạo sinh, nhưng các hành vi đăng tải hình ảnh AI giả mạo cảnh sát hay các lực lượng chức năng có thể bị xử lý theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

Cụ thể, hành vi "cung cấp hoặc chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân" có thể bị phạt tiền và buộc gỡ bỏ thông tin.

Nếu hành vi này nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng công an hoặc gây mất trật tự xã hội, có thể bị xử lý theo các quy định của Bộ luật Hình sự về tội vu khống, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Việc sử dụng AI để tạo ra hình ảnh giả mạo, đặc biệt là liên quan đến các cơ quan công quyền là một vấn đề nghiêm trọng đang được nhiều quốc gia châu Á quan tâm và tìm cách xử lý. Mặc dù các đạo luật cụ thể về hình ảnh giả mạo AI vẫn đang trong quá trình hoàn thiện ở nhiều nơi, các quốc gia này thường áp dụng các luật hiện hành về phỉ báng, mạo danh, phát tán thông tin sai lệch, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội để xử lý các trường hợp này.

Chẳng hạn Trung Quốc, một trong những quốc gia đi đầu trong việc ban hành các quy định về AI tạo sinh (generative AI) và deepfake. Từ năm 2019, Trung Quốc đã đưa ra luật yêu cầu các cá nhân và tổ chức phải công bố rõ ràng khi họ sử dụng công nghệ deepfake trong video và các phương tiện truyền thông khác.

Các quy định mới có hiệu lực từ tháng 1.2023 yêu cầu các nhà cung cấp và người dùng deepfake phải có sự đồng ý của người được tạo hình ảnh/video, xác minh danh tính, đăng ký hồ sơ với chính phủ, báo cáo các deepfake bất hợp pháp và cung cấp cơ chế khắc phục. Việc tạo deepfake mà không có sự đồng thuận của người dùng và không có nhãn nhận diện rõ ràng về nội dung do AI tạo ra là bị cấm.

Còn tại Hàn Quốc, nước này đã thông qua luật vào năm 2020 quy định việc phân phối deepfake có thể "gây hại cho lợi ích công cộng" là bất hợp pháp. Người vi phạm có thể đối mặt với án tù lên tới 5 năm hoặc phạt tiền lên tới 50 triệu won (khoảng 43.000 USD).

Mặc dù các trường hợp bị xử phạt chủ yếu liên quan đến nội dung lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên do AI tạo ra, nhưng nguyên tắc "gây hại cho lợi ích công cộng" có thể được áp dụng cho việc giả mạo hình ảnh cơ quan nhà nước để phá hoại lòng tin hoặc gây hiểu lầm.

Còn ở Đông Nam Á, Singapore đã thông qua luật cấm các nội dung deepfake liên quan đến bầu cử nhằm chống lại thông tin sai lệch do AI tạo ra. Các luật hiện hành về phát tán thông tin sai lệch, phỉ báng, hoặc xúc phạm công chức có thể được áp dụng để xử lý các trường hợp đăng ảnh AI giả mạo cơ quan chức năng.

Bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số và thông tin Singapore Josephine Teo nhấn mạnh rằng thông tin sai lệch do AI tạo ra có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền tảng dân chủ của Singapore và cần có sự xử lý nghiêm khắc.

Bùi Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dang-anh-ai-de-cau-like-coi-chung-vi-pham-phap-luat-234675.html