Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn từ cây sen
Chuyển đổi mô hình trồng sen, kết hợp phát triển du lịch trên đất lúa kém hiệu quả là một hướng đi mang lại nhiều lợi ích cho nông dân ngoại thành Hà Nội. Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt nhưng người dân vẫn mong muốn có sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, được đào tạo kỹ năng phục vụ du khách cũng như quảng bá sản phẩm để phát triển loại hình du lịch này bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Những đầm sen “hái ra tiền”
Dễ trồng, thích nghi tốt với những vùng đất trũng, nhiều năm qua, cây sen đã được nông dân tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chọn làm cây trồng phát triển kinh tế thay thế cây lúa.
Những ngày giữa tháng 7, về thôn Đức Dương (xã An Phú) đúng mùa sen nở, không ít người ngỡ ngàng bởi sen đã phủ kín một vùng ruộng trũng khi xưa. Ông Nguyễn Văn Chức (chủ đầm sen Hạnh Chức) cho biết, trước đây vùng đất này người dân chủ yếu canh tác lúa nhưng nguồn thu nhập mang lại không cao.
Từ những khó khăn về thời tiết, năng suất lúa không cao, ông Chức quyết định chuyển sang canh tác cây trồng khác có hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Thấy nhiều nơi trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông quyết định chuyển sang loại cây trồng này.
Liền kề với đầm sen của gia đình ông Chức, gia đình bà Vương Thị May cũng đã chuyển đổi thành công từ mô hình trồng lúa sang sen hạt. Trong câu chuyện về trồng sen trên vùng đất trũng, bà May cho hay: “Trồng sen không cần đầu tư quá lớn, thời gian thu hoạch của sen lâu hơn lúa. Ngoài hoa, người trồng thu hoạch lá, hạt sen, hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa, từ đó mà bà con trong vùng phấn khởi, cùng nhau chuyển đổi, nhân rộng mô hình”.
Đến nay sau hơn 10 năm chuyển đổi mô hình, vùng đất trũng của thôn được bao phủ bởi 200ha sen hồng. Người dân nơi đây trồng sen một vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2 hàng năm và đến khoảng tháng 5 cây sen cho thu hoạch.
Không chỉ riêng tại huyện Mỹ Đức, đến với xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) vào những tháng hè, không khó để bắt gặp những đầm sen nở rộ, trải dài, mùi hương thơm ngát. Tại đây, ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Hoàng Trung) được người dân biết đến với biệt danh “vua sen”, vì ông là người đầu tiên ở khu vực trồng sen với quy mô hàng hóa.
Chỉ vào đầm sen rộng bạt ngàn, ông Hòa tâm sự: “Từ mô hình chăn nuôi và trồng lúa chuyển sang trồng sen chuyên canh, ban đầu tôi chỉ canh tác vài mẫu. Sau khi thấy nhu cầu về hoa sen, hạt sen, củ sen ngày một nhiều, cùng với kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình làm, gia đình tôi đã chủ động mở rộng sản xuất, đến nay là 40 mẫu.
Ông Hòa cho biết, với đặc tính dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, các sản phẩm của cây sen như lá, ngó, củ, hoa, hạt… đều mang lại kinh tế, được tiêu thụ rộng khắp. Thời gian thu hoạch sen đều đặn khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, từ lúc trổ bông đến lúc sen tàn.
Một trong những ưu điểm của mô hình trồng sen là khi đến đợt thu hoạch, thương lái đến tận nơi để thu mua. Do đó, nông dân không phải “chạy đôn chạy đáo” tìm đầu ra so với các loại cây trồng khác. Giá sản phẩm cũng tương đối cao, hoa sen khoảng 3.000 đồng/bông, hạt sen khoảng 35.000-40.000 đồng/kg tùy thời điểm. Mỗi năm, với sản lượng 25 tấn hạt sen sẽ mang đến doanh thu cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh thu nhập từ sen, ông Hòa còn thả thêm cá truyền thống, cá tự tìm thức ăn từ sinh vật phù du nên không tốn công chăm sóc, mỗi vụ ông xuất thêm hàng tấn cá thịt chất lượng cao. Trên bờ, ông nuôi thêm bò để ăn cỏ tự nhiên, bớt công cắt cỏ, phân bò cho xuống cánh đồng sen làm sen tốt hơn, hoa đậm màu. Cùng với đó là vài trăm gốc nhãn, gốc bưởi.
Góp phần phát triển du lịch nông thôn
Không chỉ mang đến nét đẹp cho vùng quê, sau hơn nhiều năm chuyển đổi mô hình, cây sen đã giúp nông dân thoát nghèo, phát triển kinh tế. Bên cạnh khai thác thuần nông sản, nhạy bén với nhu cầu của thị trường, các chủ đầm đã biến sen của mình thành địa điểm hút khách đến tham quan, chụp ảnh, quảng bá thương hiệu. Sáng sớm là thời điểm hoa bắt đầu nở bung, chủ đầm cắt một phần hoa đem bán. Số hoa còn lại trong đầm là để cho khách đến tham quan
Loại hình du lịch cộng đồng này đang phát triển mạnh và đáp ứng nhu cầu cho du khách muốn trải nghiệm và khám phá… Vào những dịp cuối tuần, có rất đông khách đến tham quan tại các cánh đồng sen tại xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai), xã An Phú (huyện Mỹ Đức), xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh)… để chụp ảnh.
Để hút khách, các đầm không ngần ngại đầu tư hệ thống đèn điện, bắc cầu gỗ, lót cả thảm để phục vụ khách. Trong khuôn viên của đầm cũng được bố trí bàn ghế để phục vụ khách ăn uống, nghỉ ngơi.
Nói về việc kết hợp khai thác du lịch trên chính đầm sen của gia đình, ông Chức cho hay: “Ban đầu chỉ một số hộ trồng, nhận thấy hiệu quả, các hộ trong thôn chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau nhân rộng mô hình. Diện tích đầm rộng, nhiều người đi qua thấy vùng sen bạt ngàn thì dừng lại chụp ảnh. Sau đó, họ rủ bạn bè, người thân tới chụp ảnh rất đông. Nhận thấy tiềm năng, chúng tôi kết hợp một số dịch vụ, đầu tư cầu tre, chòi quán, dựng khu cho thuê trang phục. Đến nay, đầm sen trở thành địa điểm quen thuộc để người dân đến tham quan, chụp ảnh và mua hoa, đài sen tại đầm”.
Chia sẻ về hiệu quả và hướng phát triển cây sen nơi đây gắn với khai thác du lịch, ông Bùi Văn Chuyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú cho hay: “Trồng sen thu hoạch được nhiều lần, năng suất cao hơn cấy lúa, tạo thu nhập tốt, đem lại sự phấn khởi cho nhân dân trong vùng, tuy nhiên hiện nay bà con vẫn đang làm tự phát. Xã cũng đã trình, xin chuyển đổi 200ha để chuyên trồng sen, khai thác dịch vụ du lịch.
Giống sen các hộ đang trồng chỉ cho thu khoảng 3 tháng trong một năm, để tạo sự đa dạng về các loại sen, có thể trồng, sản xuất quanh năm phù hợp với khai thác du lịch, chúng tôi đang triển khai thí nghiệm dự án đưa một số giống sen mới vào trồng như: Sen củ, sen hoa... Một số cán bộ huyện, xã và hộ dân đã được tập huấn, tham quan các mô hình trồng sen ở huyện Mê Linh, ở tỉnh Thừa Thiên Huế... để có thể đưa các giống sen mới về trồng ở địa phương”.
Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tuy nhiên hiện nay, nhiều người trồng sen vẫn còn một số trăn trở do hoa sen phụ thuộc nhiều vào thời tiết, kỹ thuật chăm sóc của người dân vẫn còn hạn chế.
Đặc biệt, mặc dù các địa phương đã bước đầu phát triển du lịch, tuy nhiên chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Các dịch vụ du lịch chủ yếu mang tính tự phát của hộ dân, quy mô còn nhỏ lẻ. Trong thời gian tới, người nông dân rất cần sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đào tạo kỹ năng phục vụ du khách cũng như quảng bá sản phẩm thương hiệu sen, xây dựng các dự án kêu gọi thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch xanh tại các đầm sen.
Thời gian qua, cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã quan tâm việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Do đó, việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng có về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong định hướng phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, UBND Thành phố đã sớm ban hành và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Các sở, ngành, địa phương đã có chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tới đây, Sở sẽ đánh giá một cách tổng quát tiềm năng, cách thức phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội nhằm khai thác, phát triển một cách hiệu quả loại hình này.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-phat-trien-du-lich-nong-thon-tu-cay-sen-158553.html