Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, Kon Tum khởi sắc
Với mục tiêu đưa thành phố Kon Tum đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2020, chính quyền địa phương đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào việc xây dựng cầu đường, phát triển hạ tầng giao thông.
Giữ vị trí quan trọng trong tam giác phát triển của 3 nước Đông Dương, Kon Tum là mảnh đất có nhiều tiềm năng để phát triển. Nhằm mở rộng và phát triển thành phố Kon Tum, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định đầu tư xây dựng 3 cây cầu bắc qua sông Đắk Bla với tổng số vốn đầu tư xây dựng gần 300 tỉ đồng.
Theo đó, dự án thứ nhất là cầu số 1 qua sông Đăk Bla từ phường Thắng lợi đi xã Đăk Rơ Wa. Phạm vi đầu tư từ điểm đầu giao đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố thuộc địa giới phường Lê Lợi, điểm cuối giao tỉnh lộ 671 tại km 44+620 thuộc địa giới xã Đăk Rơ Wa.
Thứ hai là cầu qua sông Đăk Bla bắt đầu từ xã Vinh Quang đi xã Đoàn Kết, phạm vi đầu tư từ điểm đầu giao đường tỉnh lộ 675 tại km 1+900m thuộc địa giới phường Ngô Mây, điểm giao cuối tỉnh lộ 671 tại km 57+50 thuộc địa giới xã Đoàn Kết.
Thứ ba là cầu qua sông Đăk Bla, từ phường Trường Chinh thành phố Kon Tum đi khu dân cư Thôn Kon Di, Đăk Rơ Wa. Phạm vi đầu tư từ điểm đầu giao đường Đào Duy Từ thuộc địa giới phường Trường Chinh, điểm giao cuối tại khu dân dư thôn Kon Di, Đăk Rơ Wa.
Tất cả dự án đều có mức đầu tư lớn với ngân sách từ nguồn vốn đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các dự án được thực hiện nhằm từng bước hoàn chỉnh hạ tầng đô thị và mở rộng không gian thành phố Kon Tum theo quy hoạch, khai thác tiềm năng quỹ đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển các khu đô thị và kinh - tế xã hội của thành phố.
Công trình sau khi hoàn thiện sẽ góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, giúp hoạt động thông thương diễn ra thuận lợi, đồng thời, gắn kết các khu dân cư, mở rộng cửa ngõ ra vào thành phố. Sau khi được đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, không gian đô thị hứa hẹn sẽ được mở rộng, cải thiện diện mạo thành phố.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cầu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ với hai tuyến đường giao thông huyết mạch được Trung ương đầu tư nâng cấp, mở rộng (đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24); 260 tuyến đường nội bộ với tổng chiều dài gần 200 km, hầu hết các tuyến đường hẻm được bê tông hóa… cũng góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Dù mới được thành lập từ năm 2009 nhưng qua 10 năm phát triển, thành phố Kon Tum ngày càng cho thấy sức tăng trưởng nhanh, vững bước phát triển của một thành phố trẻ. Kon Tum luôn vươn mình để tương xứng với vị trí trung tâm, động lực phát triển của tỉnh và khu vực Tây Nguyên, đồng thời không ngừng nỗ lực để trở thành đô thị loại II.
Trong số 5 tiêu chuẩn đô thị loại II, đến nay, thành phố Kon Tum đạt tiêu chuẩn về chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 39/59 tiêu chuẩn thuộc 5 tiêu chí quy định; 4 tiêu chí với 20 tiêu chuẩn cần hoàn thành, gồm: tiêu chí quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và trình độ phát triển hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Kon Tum luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế đều đặn theo từng giai đoạn. Năm 2016 - 2018, mức tăng trưởng đạt 18,96%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, tăng trưởng công nghiệp - xây dựng phát triển cả về quy mô và chất lượng khá cao, bình quân giai đoạn 2009 - 2018 đạt 18,6%/năm.
Nhằm hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại II, Kon Tum tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới, đẩy mạnh đầu tư phát triển các cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ song song với nông nghiệp; đồng thời phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Với nguồn lực và thế mạnh của mình, Kon Tum hứa hẹn sẽ là thị trường bất động sản đầy tiềm năng trong thời gian tới, mở ra hàng loạt cơ hội đầu tư và kinh doanh mới cho các nhà đầu tư.