Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ
Để nông dân có thể sống được với nông sản hữu cơ, sản xuất với số lượng lớn, thì ngoài việc phải sản xuất đúng quy trình, còn cần được chứng nhận mới hy vọng bán được sản phẩm ra thị trường.
Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ đã có trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp. Tính chung Việt Nam có khoảng gần 77 nghìn ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 trong các nước ASEAN. Nhưng xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp là 26,8 triệu ha, thì diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cả nước còn khá khiêm tốn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Để định hướng cũng như đề ra các giải pháp phù hợp trong giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030”. Mục tiêu đặt ra trong đề án là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam thuộc top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ. Dự kiến trong quý IV/2019, dự thảo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trong các giải pháp triển khai đề án, chú trọng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển nông sản hữu cơ. Song song với đó là xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước, đảm bảo kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng lên cũng như hướng đến xuất khẩu.
Tổng mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước hàng năm khoảng 500 tỷ đồng. Các kênh tiêu thụ loại sản phẩm này vẫn chủ yếu qua hệ thống siêu thị của Vinmart và Saigon Co-op. Việt Nam cũng có 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với sản lượng khoảng 260 ngàn tấn/năm, đạt giá trị gần 15 triệu USD.
Bà Trần Thị Loan - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn - Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho rằng, nhìn chung sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam mới chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất tập trung, sản phẩm ở dạng đơn lẻ. Hiện Việt Nam đã có tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm hữu cơ; trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ và một số sản phẩm như: gạo, chè, sữa, tôm… nhưng chưa có tiêu chuẩn đối với các sản phẩm: thủy sản, dược liệu, mỹ phẩm, rau, quả, cà phê, hồ tiêu hữu cơ… Bên cạnh đó, cũng chưa có danh mục vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam hiện có 3 hình thức là: Chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, chứng nhận PGS và chứng nhận TCVN. Việt Nam có 50 doanh nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Mỹ (USDA) với nhiều sản phẩm như trà, hạt điều, dừa, artiso...; 18 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA - NOP và 12 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007.
Về tổng thể, ngành nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bởi chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để khuyến khích phát triển. Hệ thống chứng nhận, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám sát chưa hoàn chỉnh; Các hộ sản xuất vẫn theo hướng tự nguyện; Quỹ đất để sản xuất hữu cơ không nhiều, do quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến chi phí đầu tư cao khiến giá thành sản phẩm cao, thị trường khó chấp nhận…
Nói về kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ, ông Olivier Catrou, Viện Quốc gia về Xuất xứ và Chất lượng (INAO) thuộc Bộ Nông nghiệp Pháp thông tin, năm 2018, EU nhập khẩu hơn 3 triệu tấn sản phẩm hữu cơ. Và EU cũng xuất khẩu sản phẩm hữu cơ đến tổng cộng 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến nay, có 178 quốc gia và vùng lãnh thổ đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích đất canh tác 57,8 triệu ha. Thị trường tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đang tăng trưởng nhanh. Riêng năm 2018, khu vực bắc Hoa Kỳ đã đạt 48,7 tỷ USD, còn châu Âu là 39,6 tỷ USD, chiếm 90% thị phần toàn cầu.
Việt Nam có tiềm năng lớn xuất khẩu nông sản hữu cơ sang châu Âu vì các sản phẩm của 2 bên bổ sung cho nhau, và thị trường nông sản hữu cơ châu Âu rất lớn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản hữu cơ của Việt Nam. Song ông Olivier Catrou đặc biệt lưu ý rằng, các nhà xuất khẩu cần trực tiếp đến châu Âu để tìm hiểu, biết được họ cần gì và cần phải đáp ứng như thế nào.
Tuy nhiên, để nông dân có thể sống được với nông sản hữu cơ, sản xuất với số lượng lớn, thì ngoài việc phải sản xuất đúng quy trình, còn cần được chứng nhận mới hy vọng bán được sản phẩm ra thị trường. Lúc này, vai trò quản lý nhà nước là cung cấp thông tin, xây dựng hệ thống cấp quản lý chứng nhận; hỗ trợ nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn, ông Olivier Catrou khuyến nghị.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT, cũng đã đề ra nhiều giải pháp như: xây dựng hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất hữu cơ (tập huấn, hỗ trợ chứng nhận hữu cơ...). Cùng với đó là các chính sách thuế ưu đãi cho người sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ; Ưu đãi về vốn cho mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản hữu cơ...
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/day-manh-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-92123.html