Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, đây là một dạng tệ nạn gây hậu quả ở nhiều mức độ khác nhau, tác động đến đời sống gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và các cơ quan tư pháp. Do đó, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), các cấp, ngành đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh.

Phát triển kinh tế hộ góp phần giữ vững hạnh phúc gia đình.

Phát triển kinh tế hộ góp phần giữ vững hạnh phúc gia đình.

Để làm tốt công tác PCBLGĐ, tỉnh đưa các mục tiêu, nội dung của chương trình vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Tăng cường phổ biến luật pháp, chính sách về PCBLGĐ lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của thôn, tổ dân phố. Xây dựng, kiện toàn mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên về công tác gia đình với 2.071 người. UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ hòa giải ở cơ sở thực hiện có hiệu quả việc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Tạo điều kiện cho người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức góp ý, phê bình trong cộng đồng đối với người có hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) theo quy định của pháp luật. UBND xã, Công an xã khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về BLGĐ kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý.

Thông qua đó, công tác PCBLGĐ có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ gia đình được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ đạt 79,3%; cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ; trên 60% lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ; 90,5% nạn nhân BLGĐ được tiếp cận hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ an toàn; 100% người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi… Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã nhân rộng mô hình PCBLGĐ, phát triển địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, có hộp thư tiếp nhận thông tin về BLGĐ, đường dây nóng báo tin về BLGĐ. Toàn tỉnh có 3 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho nạn nhân BLGĐ và thành lập 68 cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, tư vấn về PCBLGĐ.

Tuy nhiên, công tác PCBLGĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn như cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác gia đình và PCBLGĐ, nên trách nhiệm trong quản lý nhà nước về lĩnh vực PCBLGĐ chưa cao. Vẫn còn sự vô cảm, thờ ơ của cộng đồng, coi BLGĐ là vấn đề riêng tư trong mỗi gia đình. Đặc biệt, ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng bất bình đẳng giới, trọng nam, khinh nữ, gia trưởng. Hơn nữa, do trong gia đình có người cờ bạc, rượu chè, khó khăn về kinh tế đã tạo ra các áp lực, căng thẳng, bế tắc đối với các thành viên trong gia đình, dễ dẫn đến các mâu thuẫn, BLGĐ; trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế; kết hôn sớm... cũng là nguyên nhân của BLGĐ...

Để công tác PCBLGĐ thực sự hiệu quả và đi vào chiều sâu rất cần sự tập trung chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác PCBLGĐ. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về thực thi Luật PCBLGĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lĩnh vực gia đình, nhất là BLGĐ. Đồng thời, mỗi người dân cũng phải nâng cao sự hiểu biết, ý thức trong việc tự bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202107/day-manh-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-778717/