Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong thanh niên
Bằng ý chí, khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, những năm gần đây, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của huyện Hải Lăng đã mạnh dạn khởi nghiệp, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế. Qua đó, đẩy mạnh phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo của địa phương.
Trở về quê hương lập nghiệp sau hơn 3 năm đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, anh Võ Văn Vũ, ở thôn Thi Ông, xã Hải Hưng, huyện Hải Hăng đã gom tất cả số tiền mà mình dành dụm được để đầu tư xây dựng gia trại chăn nuôi tổng hợp với các vật nuôi có giá trị kinh tế như bồ câu Pháp, lợn và gà thương phẩm. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Đoàn thanh niên xã tổ chức; nắm vững kỹ thuật và chịu khó chăm sóc nên đàn vật nuôi trong gia trại của anh phát triển tốt, ít bệnh tật, bán được giá. Trung bình mỗi năm anh xuất bán hơn 150 cặp bồ câu Pháp sinh sản, 1.500 con gà và hơn 400 con lợn, mang lại doanh thu gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, từ cuối năm 2019 đến nay, anh Vũ đã đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để mua 10 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm. Trong quá trình nuôi thỏ, anh Vũ không ngừng tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi thỏ cũng như đi tham quan những mô hình nuôi thỏ thương phẩm, thỏ giống cho hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh.
Theo anh Vũ, giống thỏ mà anh đang nuôi là giống có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng nhanh, vóc dáng lớn, sinh sản đều, thịt thơm ngon… Trung bình một con thỏ mẹ đẻ được từ 6 - 7 lứa/năm, khoảng 6 - 8 con/ lứa. Thỏ con sau sinh, nuôi khoảng hơn 4 tháng thành thỏ thịt với trọng lượng bình quân 2,3kg/con là có thể xuất bán được nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu rất nhanh. Với việc phát triển giống vật nuôi mới mẻ này, anh Vũ tự tin là mình sẽ thành công, vươn lên làm giàu chính đáng. “Hiện nay, phát triển kinh tế nông nghiệp với người trẻ không dễ, đặc biệt là chăn nuôi. Do vậy, để thực hiện mô hình gia trại này, tôi phải đi khắp nơi để học hỏi quy trình chăn nuôi, phương thức kiểm soát dịch bệnh lẫn tìm hiểu nhu cầu của thị trường. Theo tôi, khó khăn trong việc phát triển kinh tế đối với những người trẻ là yếu tố kinh nghiệm, đôi khi tính cách bộc trực, hiếu thắng cũng khiến họ dễ thất bại. Và để thành công với mô hình mà mình tâm huyết, mỗi một người trẻ phải dành thời gian để đúc rút kinh nghiệm, tìm cho mình một hướng đi phù hợp, đúng đắn”, anh Vũ chia sẻ.
Bên cạnh những mô hình thanh niên phát triển kinh tế độc lập, thời gian qua, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế tại huyện Hải Lăng cũng bắt đầu phát huy hiệu quả. Với việc xác định các tổ, HTX thanh niên là hướng đi mới, phù hợp giúp ĐVTN phát triển kinh tế, các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình này. Trong đó, công tác tuyên truyền được các cấp bộ đoàn chú trọng đẩy mạnh, nhằm giúp ĐVTN và chính quyền các cấp hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của các mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh tế này phát huy hiệu quả. Lựa chọn, xây dựng loại hình HTX phù hợp với đặc thù, phát huy được thế mạnh của địa phương, đơn vị.
Đến thăm mô hình trang trại của Tổ HTX thanh niên ở xã Hải Hưng, ít ai ngờ rằng những chủ nhân của trang trại rộng lớn này đều còn rất trẻ và đều là những cán bộ đoàn nhiệt tình, năng động. Xuất phát từ mong muốn vươn lên làm giàu chính đáng, các thành viên của tổ HTX đã cùng nhau chung sức, góp vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2019, Bí thư xã đoàn Hải Hưng Nguyễn Minh Dũng cùng 2 cán bộ đoàn trong huyện đã chủ động nhận đất trên vùng cát quê nhà với diện tích khoảng 2,4 ha để làm trang trại. Với bản chất chịu khó, đam mê học hỏi, anh Dũng cùng với những người bạn của mình đã quyết tâm đầu tư giống cây Atisô lấy từ các tỉnh phía Bắc mang về trồng tại vùng đất cát, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới tiêu, hàng rào thép gai, khuôn viên trang trại. Đến nay, sau một thời gian ngắn, cây Atisô đã cho thu hoạch đợt 1 với sản lượng gần 2 tấn (trị giá 12 triệu đồng/tấn) và đã liên kết được với các đầu mối lẻ trên thị trường bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, Tổ HTX thanh niên đang tiếp tục đầu tư và trồng thêm 4 sào măng tây, hiện đang phát triển tốt, trong vòng 8- 9 tháng sẽ cho măng bói đầu mùa (thời gian khai thác măng tây liên tục nhiều năm). Mặt khác, các thành viên của tổ HTX cũng đang đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm khai thác, sử dụng hết 2,4 ha đất trong trang trại, xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi lợn sạch, khép kín.
Theo Bí thư Huyện đoàn Hải Lăng Trần Hữu Bắc, trên địa bàn huyện đã có hơn 14 mô hình kinh tế của thanh niên mang lại lợi nhuận từ 100 triệu đồng trở lên/năm/mô hình. Trong đó, nhiều mô hình tạo ra điểm nhấn cho từng vùng đất, góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong ĐVTN.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, các cấp bộ đoàn trong toàn huyện đã tổ chức 32 buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho hơn 7.023 lượt ĐVTN, học sinh tham gia, qua đó góp phần giúp các em chọn ngành, nghề và trường thi phù hợp với khả năng và trình độ của bản thân. Thường xuyên phối hợp các ngành, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động ĐVTN tham gia xuất khẩu lao động được các tổ chức cơ sở đoàn chú trọng và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, đã vận động 225 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động, có 101 thanh niên xuất cảnh. Đặc biệt, tổ chức đoàn các cấp tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Qua kiểm tra, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, tập trung vào việc xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bằng việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, Huyện đoàn Hải Lăng đã đồng hành với nhiều ĐVTN trong huyện vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Thông qua các mô hình kinh tế hiệu quả đó đã khuyến khích ĐVTN học tập, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147023