Đẩy mạnh quản lý chất lượng an toàn thực phẩm
Trước đòi hỏi về chất lượng nông sản an toàn thực phẩm (ATTP), cùng với ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, những quy định của pháp luật về lĩnh vực này ngày càng chặt chẽ. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý chất lượng về ATTP để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đây là năm thứ 3 hồng Gia Thanh được dán tem truy xuất nguồn gốc
Hiện nay, nhiều sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh đã và đang được tiêu thị tại các thị trường trong và ngoài tỉnh, do đó việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ tạo ra chuỗi cung ứng các sản phẩm nông, thủy sản đảm bảo ATTP; nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các nhà cung cấp, doanh nghiệp tiếp cận được thị trường có yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tình hình sản xuất, ATTP; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện, kiểm tra, giám sát ATTP. Đây cũng là tiền đề giúp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần hoạt động sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu an toàn để khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu, hình thành các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp sản xuất văn minh, hiện đại, an toàn.
Ngành NN&PTNT tỉnh đang quản lý 391 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, trong đó cấp tỉnh quản lý 80 cơ sở, cấp huyện quản lý 311 cơ sở. Toàn tỉnh đã xây dựng được 78 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong đó, cấp tỉnh triển khai 35 chuỗi, cấp huyện triển khai 15 chuỗi, cơ sở tự triển khai 28 chuỗi.
Xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh hiện có khoảng 70ha diện tích hồng Gia Thanh, trong đó gần 50ha đang cho thu hoạch, là sản phẩm của các hộ gia đình tham gia dự án phát triển cây hồng của xã; năng suất bình quân hằng năm đạt hơn 2.000 tấn. Năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản tỉnh triển khai cấp hơn 270.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 180 hộ đang tham gia mô hình Chuỗi cung ứng sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh an toàn tại xã Gia Thanh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng - Nông lâm thủy sản tỉnh cho biết: Hiện nay, Chi cục đã cấp gần 2 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn cho bưởi Đoan Hùng và hồng Gia Thanh và trên 700.000 tem đối với rau an toàn tại huyện Lâm Thao, Thanh Thủy và thị xã Phú Thọ.
Để đôn đốc các ngành, địa phương trong đảm bảo ATTP lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm, thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 với mục tiêu đến hết năm 2022, 100% các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản có đăng ký kinh doanh được phổ biến, hướng dẫn, vận động tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm; 98,5% tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B; tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô 78 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn hiện có và xây dựng và phát triển thêm ít nhất 20 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với các sản phẩm thiết yếu, sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người cung ứng với thị trường tiêu thụ. Đồng thời tổ chức từ 8 đến 10 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan cấp huyện; mỗi địa phương tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã.
Theo đó, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các huyện, thị, thành. Trong đó, chú trọng lấy mẫu kiểm tra nhanh và lấy mẫu định lượng các nhóm sản phẩm thiết yếu, kiểm tra khâu sản xuất, chế biến. Đối với các cơ sở có mẫu không đạt, Sở tiến hành xác định nguyên nhân, yêu cầu cơ sở khắc phục theo quy định; đồng thời, cho cơ sở cam kết sản xuất an toàn và chuyển xử lý vi phạm hành chính.
Quy trình sản xuất của HTX Thực phẩm Xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao tuân thủ nghiêm việc đảm bảo ATTP
Ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan và các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thẩm định đánh giá, xếp loại các cơ sở chế biến, kinh doanh định kỳ, kiểm tra hậu kiểm các cơ sở tự công bố sản phẩm, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong công tác bảo đảm ATTP trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản thực phẩm, công tác quản lý, kiểm soát và nâng cao chất lượng ATTP luôn đặt ra hết sức cấp bách. Do đó, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Đồng thời tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, tạo hành lang pháp lý bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm.
Thanh Trà