Đẩy mạnh quản lý, sử dụng đất đai bảo đảm phát triển Thủ đô Hà Nội

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Lê Đức Tình, trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết, để đất đai thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ, bền vững, trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển của TP Hà Nội cần tích cực đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc khai thác, sử dụng đất đai.

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Một khu đấu giá đất tại huyện Đông Anh. Ảnh: Lê Quân

Một khu đấu giá đất tại huyện Đông Anh. Ảnh: Lê Quân

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Lê Đức Tình, trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết, trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam, đất đai là nguồn lực chính đóng góp cho sự tăng trưởng chung của các đô thị vệ tinh cũng như toàn vùng đô thị.

Việc phát triển và điều hành tốt thị trường bất động sản sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích vào đất đai; tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc…, từ đó tạo chuyển dịch đáng kể và quan trọng về cơ cấu trong các ngành. Nếu quản lý tốt nguồn lực này, đây sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị, đặc biệt là các đô thị vệ tinh.

Do đó, với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hiện đại, yêu cầu đặt ra là cần quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất đai, phát huy tối đa công dụng của đất đai nhằm đạt hiệu ích sinh thái, kinh tế và xã hội cao nhất đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.

Qua 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư.

Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước;

Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra thì việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.

Ông Lê Đức Tình cho biết thêm, qua một thời gian thực hiện, sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư.

Điều đó là một trong những nguyên do dẫn đến chưa khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô.

Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm. Nhiều nơi dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, còn để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai rất phức tạp, chiếm phần lớn…

Do đó, để đất đai thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ, bền vững, trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển của TP Hà Nội cần tích cực đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc khai thác, sử dụng đất đai.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội cần quy định một số nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo cơ chế linh hoạt cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, người dân (giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, không có đất thì bồi thường bằng tiền; nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất thì có thể bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất bị thu hồi hoặc nhà ở; chính sách hỗ trợ việc làm cho người có đất bị thu hồi…).

Ông Lê Đức Tình nhấn mạnh: “Cần phân quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội trong việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục, tạo sự chủ động, linh hoạt cho TP Hà Nội; cho phép Thủ đô được thành lập mới DN do Thủ đô nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý , khai thác quỹ đất của Thủ đô”.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/day-manh-quan-ly-su-dung-dat-dai-bao-dam-phat-trien-thu-do-ha-noi-348686.html