Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững

Tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh đang được ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, phục vụ chế biến xuất khẩu và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh đang được ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, phục vụ chế biến xuất khẩu và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Kiểm tra đàn lợn giống gốc ông bà ở một trang trại chăn nuôi của huyện Hải Hậu.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2021 sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh phát triển ổn định. Đàn lợn có hơn 641 nghìn con, tăng 0,1%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 150 nghìn 470 tấn, bằng 100,3% kế hoạch, tăng 0,2% so với năm 2020. Đàn trâu có 7.726 con, tăng 0,6%; đàn bò có 28.011 con; sản lượng thịt trâu, bò đạt 3.909 tấn, tăng 2,8% so với năm 2020. Đàn gia cầm có 9 triệu 467 nghìn con, tăng 6,1%; sản lượng thịt gia cầm đạt 32.361 tấn, tăng 9,1%; sản lượng trứng gia cầm đạt 422 triệu quả, tăng 11,3% so với năm 2020. Kinh tế thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực. Sản lượng thủy sản đạt 178.570 tấn, tăng 4,7% so với năm 2020. Diện tích nuôi 16.500ha; trong đó nuôi nước ngọt là 9.800ha, nuôi mặn lợ là 6.700ha; sản lượng nuôi đạt 121.130 tấn, tăng 4,8% so với năm 2020. Tỉnh có 115 cơ sở sản xuất giống thủy sản (10 cơ sở sản xuất giống nước ngọt, 105 cơ sở sản xuất giống mặn lợ), sản lượng giống thủy sản toàn tỉnh đạt 14 tỷ 800 triệu con, tăng 11,5% so với năm 2020. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn đứng trước nhiều rủi ro, thách thức do dịch bệnh, thời tiết biến đổi khó lường, giá bán các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá thịt lợn hơi ở mức thấp, không ổn định. Hình thức chăn nuôi chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; quy mô, hình thức chăn nuôi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương… Vì vậy, tái cơ cấu ngành chăn nuôi là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Xác định chăn nuôi có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp nói riêng và kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung, thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi của Bộ NN và PTNT ngày 14-6-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực có thế mạnh của tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng gắn với truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh việc ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đồng thời nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường; nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu của ngành chăn nuôi trong giai đoạn 2021-2025 là tăng trưởng trung bình ngành từ 3-3,5%/năm; sản lượng thịt các loại từ 215-220 nghìn tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 511 triệu quả. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong trang trại đạt trên 60%. Tổng đàn trâu, bò 37 nghìn con; đàn lợn (không kể lợn sữa) 800 nghìn con; đàn gia cầm 9,5 triệu con; đàn dê 15 nghìn con. Tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp hoặc giết mổ tại cơ sở được cấp giấy chứng nhận hoặc cam kết an toàn thực phẩm đạt tương ứng khoảng 60% và 40%. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt đạt từ 25% đến 30%. Phấn đấu xây dựng 3-5 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Xử lý chất thải chăn nuôi của 100% cơ sở chăn nuôi trang trại và 50% cơ sở chăn nuôi nông hộ đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Xây dựng được ít nhất 70-100 cơ sở chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 1-2 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện.

Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các sở, ngành hữu quan, các huyện, thành phố cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương vào điều kiện thực tiễn của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đất đai, tài chính và tín dụng, thương mại, khuyến nông; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ; năng suất, chất lượng giống vật nuôi; hạ giá thức ăn chăn nuôi; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi, thú y. Sở NN và PTNT đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; đề xuất cơ chế, chính sách, huy động nguồn vốn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y; kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, tập huấn các nội dung liên quan đến Kế hoạch, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, lĩnh vực quản lý. Tổng hợp, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, 5 năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN và PTNT; đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Thị Tố Nga cho biết thêm: Với vai trò, trách nhiệm của ngành, Sở tập trung triển khai các giải pháp phát triển, hình thành các trung tâm, trang trại chuyên sản xuất, cung ứng con giống lợn, gia cầm có chất lượng; quản lý chặt chẽ chất lượng con giống; cải tạo đàn lợn giống để nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong nuôi trồng thủy sản tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi trên cơ sở lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và có khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là tôm, ngao. Đầu tư xây dựng hạ tầng và kỹ thuật phục vụ sản xuất giống thủy sản, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Phát triển nuôi trồng thủy sản đồng bộ cả khu vực mặn lợ và nước ngọt, từng bước chuyển diện tích nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung; áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng khuyến khích, hỗ trợ thành lập HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với HTX và hộ sản xuất hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, đồng thời chia sẻ rủi ro, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Thực hiện tốt các giải pháp phát triển chăn nuôi có điều kiện gắn với xây dựng hệ thống trang trại quy mô công nghiệp, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo quy hoạch. Tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. Duy trì, phát huy hiệu quả đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo phương thức công nghiệp, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ tỉnh đến địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202202/day-manh-tai-co-cau-nganh-chan-nuoi-theo-huong-phat-trien-ben-vung-2549321/