Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh Hòa Bình đã và đang tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Từ đó từng bước góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện với các nhóm giải pháp, đến nay, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều khởi sắc, bước đầu hình thành những mô hình sản xuất an toàn, có ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phóng viên báo Hòa Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT về vấn đề này.
Sản phẩm cá lòng hồ Sông Đà được quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng được thương hiệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
P.V: Xin đồng chí đánh giá về thực trạng sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta?
Đồng chí Trần Văn Tiệp: Hiện nay, tỉnh ta có hơn 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỉnh luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh bền vững, giàu mạnh. Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh ta đặt ra trong thời kỳ mới là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thời gian qua, tỉnh và các huyện, thành phố đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Thực hiện Đề án đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa và xây dựng thương hiệu như: mía tím Hòa Bình, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá lòng hồ sông Đà, gà đồi Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, dê núi Lạc Thủy, rau hữu cơ Lương Sơn...
Xác định tái cơ cấu sản xuất, trong đó, ưu tiên tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM, giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh đã chủ động bố trí trên 30 tỷ đồng vốn chương trình xây dựng NTM cho UBND các huyện, thành phố để triển khai các mô hình phát triển sản xuất và dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó, đã có nhiều mô hình về các giống, cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, giá trị sản xuất trên đất canh tác bình quân toàn tỉnh đạt 140 triệu đồng/ha. Công tác dồn điền, đổi thửa tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn được quan tâm thực hiện. Đến nay, đã có 24/191 xã hoàn thành cơ bản công tác dồn điền, đổi thửa được 3.575 ha, điển hình như: Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Thủy. Ngoài ra, 206 HTX và 257 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi đã thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.
P.V: Đồng chí chia sẻ những thành tựu của nông nghiệp nông thôn?
Đồng chí Trần Văn Tiệp: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến nay, các địa phương đã định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên cùng một đơn vị diện tích.
Những thành tựu về phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc, cơ bản, toàn diện về chính trị, KT-XH, chất lượng của cuộc sống và môi trường ở khu vực nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần nông dân nhìn chung được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt 32 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 19%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, 100% trạm y tế xã đã có bác sĩ; các thiết chế văn hóa, cơ sở giáo dục, hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; nếp sống văn hóa ở các làng, xã có tiến bộ rõ rệt...
Tính đến tháng 9, toàn tỉnh có 82/191 xã đạt chuẩn NTM được công nhận. Bình quân mỗi xã đạt trên 15 tiêu chí/xã, tăng 10,6 tiêu chí/xã so với năm 2011. TP Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018; huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019.
P.V: Theo đồng chí, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM có hiệu quả, cần những giải pháp gì?
Đồng chí Trần Văn Tiệp: Để triển khai tốt xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới, các địa phương phải nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển sản xuất trong xây dựng NTM. Trong đó, xác định người dân là chủ thể liên kết với nhau qua hoạt động HTX, doanh nghiệp là động lực phát triển sản xuất. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình sản xuất, sơ kết rút kinh nghiệm những chương trình đã triển khai; đồng thời, dành nguồn lực hỗ trợ các đề án, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ dựa trên tập quán canh tác, kinh nghiệm sản xuất, yếu tố văn hóa trong sản xuất nông nghiệp của từng địa phương để lựa chọn những hình thức sản xuất phù hợp nhằm vừa phát huy yếu tố truyền thống vừa kết hợp khoa học hiện đại tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp để đạt được những kết quả cao. Tỉnh cũng chú trọng đến nội dung phát triển các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, nông nghiệp hữu cơ phù hợp với thế mạnh của từng vùng. Đồng thời, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản chủ lực, hướng sản xuất theo thị trường xuất khẩu. Tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả SXKD, giá trị nông sản và thu nhập cho người dân, tăng nguồn lực xã hội cho xây dựng NTM.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí.