Đẩy mạnh thanh toán điện tử, tận dụng thời cơ kinh tế số
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, làm sao tận dụng tốt thời cơ của Cách mạng 4.0, để Việt Nam không bị bỏ lỡ nhưng phải bằng hành động cụ thể.
Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019: "Chuyển đổi cùng công nghệ CHIP" ngày 10/12 ở Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt không còn đơn thuần như trước đây là nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không để đồng tiền bị chết, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền tham nhũng mà nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế Internet lên.
Phó Thủ tướng cho hay: “Cách đây 30 năm ngành bưu điện có 2 việc đáng nhớ: Lúc đó, cả thế giới có công nghệ GSM, công nghệ số, những nước trong khu vực như Thái Lan dùng công nghệ tương tự này và sẵn sàng chuyển giao không mất tiền cho Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã từ chối để đi thằng vào Công nghệ GSM 2G. Việt Nam là một trong những nước tiên phong và có kết quả.
Ngày đó công dân Hà Nội và Tp.HCM còn nhớ các bốt điện thoại, 1 dạng màu vàng, và dùng thẻ từ, và màu xanh, Đức Pháp hợp tác dùng thẻ chip. Lúc đó có ý kiến ví von, điện thoại dùng thẻ từ lúc đó tương tự như đánh máy ra rồi photo rồi gửi thư qua bưu điện, còn điện thoại dùng thẻ chip đánh máy dùng máy fax chuyển đi khắp nơi .Phải chăng bây giờ chúng ta cũng tương tự như vậy?".
Phó Thủ tướng gợi nhắc lại và nhấn mạnh: Chúng ta có thể bàn về công nghệ nhưng chắc chắn nếu mạnh dạn tiến thẳng lên 1 bước thì sẽ không bị lỡ.
Theo Phó thủ tướng, để làm việc này cần sự đồng lòng kêu gọi không chỉ cơ quan nhà nước mà chúng ta cần bàn sâu sát với doanh nghiệp, đây cũng là phần trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước với xã hội. Chúng ta phải thay đổi cả hạ tầng, sẽ là sự tốn kém nhưng nếu cần thiết cho đất nước phát triển thì sự tốn kém ấy về lâu dài bù đắp lại kinh tế xứng đáng. Quan trọng cả đó cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của ngân hàng.
Xu hướng tất yếu
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng, thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính.
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số...", ông Kim Anh nói.
Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là yêu cầu bắt buộc. Mục tiêu đến cuối năm 2019 ít nhất 30% số thẻ ATM, 35% máy ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ (pos) tại điểm bán hàng đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chuẩn thẻ chip nội địa. Đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành 100% mục tiêu chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.
Trên thực tế, số liệu báo cáo mới nhất đang cho thấy, các giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng, thanh toán qua internet, điện thoại di động đặc biệt thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng, đang tăng nhanh chóng. Thanh toán các dịch vụ công như điện, nước, thuế, hải quan, đã phối hợp với ngành ngân hàng triển khai trên 63 tỉnh, thành phố.
Bàn về giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngân hàng không thể phát triển nếu chúng ta không có hệ sinh thái. Ông Dũng ví von, hệ sinh thái như cái bắt tay, ngân hàng chìa bàn tay thì bên kia cũng phải chìa bàn tay ra thì mới khớp được với nhau. Chẳng hạn như, các nhà mạng cũng phải sửa hệ thống thông tin của mình, chứ đơn thuần riêng ngân hàng thì không làm được.
Ông Nguyễn Quang Hưng,Giám đốc Napas nhận định, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phải diễn ra từ hai phía, ngân hàng phát hành thẻ và nơi cửa hàng bán lẻ, phương tiện thanh toán công cộng, nơi chấp nhận thẻ thì hệ sinh thái mới hoàn chỉnh.