Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu phí, lệ phí. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC tại trung tâm.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là nơi có số lượng tổ chức, công dân đến thực hiện TTHC rất lớn, trung bình mỗi ngày có gần 1.000 lượt tổ chức, công dân đến thực hiện TTHC. Trước đây, khi chưa áp dụng thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt, tổ chức, công dân, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức và chi phí để đến trung tâm thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí, lệ phí TTHC. Không những thế, tổ chức, công dân sẽ phải chờ đợi lâu nếu lượng người đến giao dịch đông. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân, nhất là đối với tổ chức, công dân ở xa trung tâm thành phố, ngoài việc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, trung tâm đã triển khai nhiều cách thức để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí, lệ phí khi cần giải quyết TTHC. Hiện nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: chuyển khoản qua số tài khoản, dùng điện thoại di động thông minh quét mã QR Pay tại quầy thu phí, lệ phí, quẹt thẻ ATM, thẻ tín dụng qua máy POS, thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Theo đó, người dân, doanh nghiệp dễ dàng, nhanh chóng thanh toán các khoản phí và lệ phí giải quyết TTHC mà không cần dùng đến tiền mặt. Hình thức này không chỉ tiết kiệm thời gian cho người dân mà còn góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.
10 tháng năm 2022, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thu hơn 21,4 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC, trong đó có gần 4,8 tỷ đồng thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt (chiếm 22,32%), tăng 216,5% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 là 2,2 tỷ đồng). Số lượt giao dịch không dùng tiền mặt trong 10 tháng năm 2022 là 7.565 lượt, tăng 245,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 là 3.082 lượt). Các đơn vị có lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cao là Sở Y tế (837 lượt), Sở Giao thông - Vận tải (288 lượt), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (182 lượt)... Đây là những con số minh chứng cho hiệu quả tích cực trong việc áp dụng cách thức thanh toán không dùng tiền mặt tại trung tâm từ đầu năm đến nay.
Anh Nguyễn Văn Dũng, công dân phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) nộp hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: “Nếu như trước đây, tôi phải đến trực tiếp trung tâm trong giờ hành chính để nộp lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp thì giờ đây tôi có thể ở nhà để nộp hồ sơ và thanh toán lệ phí. Chỉ cần sử dụng điện thoại di động để chuyển khoản banking qua tài khoản ngân hàng cho trung tâm vào bất kỳ thời gian nào trong ngày cũng được. Việc triển khai nhiều hình thức thanh toán phí, lệ phí giúp tôi chủ động trong việc thực hiện hồ sơ TTHC. Tôi thấy rất tiện ích cho người dân”.
Mặc dù có rất nhiều tiện ích, song thực tế việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC vẫn còn nhiều khó khăn, bởi hình thức này mới chỉ tập trung cho người dân, doanh nghiệp ở khu vực thành thị. Đối với người dân ở địa bàn nông thôn, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, do nhận thức và việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên việc tiếp cận, sử dụng cách thức thanh toán này chưa được nhiều.
Ông Nguyễn Tuấn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: “Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Với quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn và hiệu quả, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật để triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán khác qua ngân hàng, bảo đảm phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận, làm quen và tích cực sử dụng hình thức thanh toán này khi thực hiện TTHC”.