Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn
Những năm qua, Thanh Hóa đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên thu hút các doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, gắn với vùng nguyên liệu. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ doanh nghiệp; lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả những ưu đãi, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống).
Hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các chuỗi sản xuất từ chế biến đến tiêu thụ, như chuỗi chế biến lúa gạo, rau quả; chuỗi chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gia cầm; chuỗi chế biến gỗ... Tính đến 31-7, toàn tỉnh có 924 doanh nghiệp, 749 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, 177 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực trồng trọt, 36 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, 130 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, 46 doanh nghiệp đầu tư thủy sản, 535 doanh nghiệp đầu tư tổng hợp. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong các doanh nghiệp, HTX là hơn 20 nghìn người. Các doanh nghiệp, HTX đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Điển hình như, dự án quy hoạch rau an toàn theo hướng VietGAP tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa). Xuất phát từ ý tưởng về một vùng chuyên canh rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Hà, thị trấn Thiệu Hóa đã triển khai dự án trên diện tích gần 40 ha. Nếu theo sản xuất truyền thống thì 1 ha rau màu doanh thu 300 triệu đồng/năm, nhưng giờ được áp dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP doanh thu hơn 400 triệu đồng/năm. HTX chịu trách nhiệm cung cấp kỹ thuật, công nghệ, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
UBND tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến lúa gạo quy mô lớn của các Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, Công ty CP Mía đường Lam Sơn; 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các huyện Như Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước với tổng công suất 1.920 tấn sắn tươi/ngày; 3 nhà máy đường với tổng công suất 18.500 tấn mía cây/ngày, gồm: Nhà máy Đường Lam Sơn, Nhà máy Đường mía Việt Nam – Đài Loan, Nhà máy Đường Nông Cống. Trong chăn nuôi, đã thu hút được nhiều nhà máy chế biến quy mô lớn đầu tư đi vào hoạt động, tiêu biểu như Công ty TNHH Hoa Mai (công suất chế biến 50 con lợn sữa/giờ); Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu VietAvis tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa); Nhà máy Chế biến sữa của Vinamilk có công suất 36 - 42 triệu lít/năm; Nhà máy sữa Lam Sơn Thanh Hóa công suất 60 triệu lít sữa tiệt trùng/năm...
Thanh Hóa với nhiều thế mạnh vượt trội cả trong trồng trọt, chăn nuôi đã và đang từng bước được khai thác hiệu quả, thu hút được nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.