Đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên trước thềm năm học mới
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh việc thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên năm học 2019 - 2020 nhằm hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ tham gia 100%.
Đã có trường tham gia Bảo hiểm y tế 100%
Được biết, tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số, vượt 0,9% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và 9% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ đạt tỷ lệ 90% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn 11% dân số, tương đương khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT thuộc nhiều nhóm đối tượng, trong đó có nhóm học sinh, sinh viên.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, đối tượng học sinh, sinh viên đang có tỷ lệ tham gia BHYT cao hơn so với tỷ lệ tham gia BHYT bình quân chung. Tuy nhiên, ngay trong nhóm đối tượng này đang có sự chênh lệch về tỷ lệ tham gia giữa học sinh và sinh viên; giữa học sinh, sinh viên các vùng miền. Hiện tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp hơn so với học sinh.
Theo thống kê từ BHXH các địa phương, các bạn sinh viên thường tham gia BHYT đầy đủ ở năm học đầu tiên và giảm dần ở các năm học tiếp sau. Chỉ riêng TP. Hà Nội và TP.HCM đã có khoảng 300.000 sinh viên chưa tham gia BHYT. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế của sinh viên thường khó khăn hơn học sinh khi phải tự trang trải cuộc sống, học hành và tâm lý tuổi trẻ, cho rằng còn khỏe mạnh, chưa nghĩ đến bảo vệ sức khỏe bản thân...
Để đẩy mạnh việc thực hiện BHYT đầu năm học mới, BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 2619/BHXH-BT gửi BHXH các tỉnh, thành phố về việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm học 2019 - 2020. Thời gian qua, BHXH các tỉnh đã tích cực tham mưu cho địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục - Đào tạo triển khai BHYT học sinh, sinh viên và đã đạt được kết quả quan trọng, số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT hàng năm đều tăng. Năm học 2018 - 2019, đã có trường học có tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Tuy nhiên, hiện tại, còn nhiều học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT.
Để triển khai công tác đạt hiệu quả, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ. Theo đó, cơ quan BHXH cần tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành văn bản chỉ đạo công tác BHYT học sinh, sinh viên, phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Tiêu chí về tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà trường và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên.
Đồng thời, cơ quan BHXH cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT để vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT, trong đó chú trọng vào các nội dung về quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT.
Đối với lực lượng sinh viên - những người chuẩn bị gia nhập thị trường lao động và chiếm gần ¼ dân số cả nước, việc thực hiện BHXH sẽ góp phần bảo vệ người lao động khi không may gặp rủi ro và có ý nghĩa quan trọng hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến học sinh, sinh viên không chỉ giúp các em có được kiến thức pháp luật về BHXH, BHYT để tự bảo vệ mình mà hơn thế nữa, chính các em còn trở thành những chủ thể tham gia vào công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến toàn xã hội.
Mức đóng, hưởng của học sinh, sinh viên
Về mức đóng, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định học sinh, sinh viên đóng hàng tháng vào quỹ BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng, nên mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên là 67.050 đồng/tháng. Học sinh, sinh viên tham gia BHYT 1 năm học tương đương 12 tháng. Như vậy, năm học 2019 - 2020 mức đóng vào quỹ BHYT của mỗi học sinh, sinh viên là 804.600 đồng.
Tuy nhiên, đây lại là đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Về mức hỗ trợ, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên tương đương 241.380 đồng. Vì vậy, số tiền còn lại học sinh, sinh viên phải đóng vào quỹ BHYT là 563.220 đồng.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh căn cứ khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác cũng có thể hỗ trợ đóng BHYT cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu cho học sinh, sinh viên. Vì vậy, tùy từng địa phương mà mức đóng vào quỹ BHYT của học sinh, sinh viên có thể thấp hơn hoặc bằng 563.220 đồng.
Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Về mức hưởng, học sinh, sinh viên tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, chuyển tuyến BHYT hoặc thuộc trường hợp cấp cứu sẽ được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh. Các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã; trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được thanh toán 100%.
Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương, 60% đối với bệnh viện tuyến tỉnh và 100% đối với bệnh viện tuyến huyện.