Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống mại dâm

Thực hiện công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2017 - 2020, các sở, ban ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong toàn xã hội. Từng bước giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm, bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội cho người bán dâm hoàn lương.

Chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ vốn để người lầm lỡ thực hiện mô hình kinh tế. Ảnh: Phước Liêu

Chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ vốn để người lầm lỡ thực hiện mô hình kinh tế. Ảnh: Phước Liêu

Theo đó, các địa phương thường xuyên thực hiện tuyên truyền về Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; xây dựng hơn 26 xã, phường, thị trấn lành mạnh không phát sinh tệ nạn mại dâm; xây dựng mô hình hỗ trợ bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP. Sóc Trăng ở Phường 2 (20 thành viên), Phường 3 (20 thành viên), Phường 6 (10 thành viên); thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (40 thành viên); xã An Hiệp, huyện Châu Thành (20 thành viên). Các điểm mô hình này đã hỗ trợ tăng cường năng lực cho nhóm đồng đẳng tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Đồng thời, tổ chức sinh hoạt nhóm cho người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được 216 cuộc, với 4.320 lượt người dự. Năm 2020, dự kiến sẽ triển khai thực hiện tại Phường 4, Phường 7 (TP. Sóc Trăng) và thị trấn Kế Sách (Kế Sách).

Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành chức năng cũng đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 1.047 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm gồm: vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, điểm kinh doanh karaoke, cơ sở massage, quán ẩm thực có tiếp viên, cà phê tum, lều, võng, đèn mờ… Số nhân viên làm việc tại các cơ sở này gần 2.200 người, có đăng ký hợp đồng lao động 1.700 người và có hơn 75% là lao động nữ (phần lớn là lao động ngoài tỉnh).

Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng môi giới mua bán dâm. Ảnh: Minh Tấn

Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng môi giới mua bán dâm. Ảnh: Minh Tấn

Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh kiểm tra 98 cuộc với 1.772 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, phát hiện 385 cơ sở vi phạm, tiến hành nhắc nhở tại chỗ 213 cơ sở, rút giấy phép kinh doanh 13 cơ sở; đình chỉ hoạt động 1 cơ sở, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 91 cơ sở, với số tiền gần 200 triệu đồng. Lực lượng công an toàn tỉnh đã triệt phá 18 điểm mại dâm, bắt 57 đối tượng (5 chủ chứa, 6 môi giới, 21 người mua dâm, 25 người bán dâm và 6 chủ cơ sở kinh doanh). TAND tỉnh đã thụ lý, xét xử 12 vụ án hình sự đối với 14 bị cáo về các tội phạm có liên quan đến mại dâm (môi giới mại dâm và chứa mại dâm), giảm 8 vụ so với giai đoạn 2011 - 2016.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Đông - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền và xử lý đã làm chuyển biến, thay đổi về nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; phòng ngừa và làm giảm các tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống mại dâm hiệu quả hơn cần bổ sung thẩm quyền cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phối hợp liên ngành, xử lý vi phạm hành chính về tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm. Nâng cao mức phạt hành chính bằng tiền đối với các hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm. Nâng mức hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người bán dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Phước Liêu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/day-manh-thuc-hien-cac-giai-phap-phong-chong-mai-dam-37424.html