Đẩy mạnh thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2020
Lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) có vị trí rất quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND). Sau 11 năm thực hiện Luật DQTV năm 2009 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DQTV chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung quy định của Luật DQTV năm 2009 chưa thống nhất, chưa đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa được điều chỉnh nên đã bộc lộ những hạn chế, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện...
Để tiếp tục xây dựng lực lượng DQTV có số lượng phù hợp, chất lượng cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật DQTV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, thay thế Luật DQTV năm 2009. Trong đó quy định 7 nhiệm vụ của DQTV với những điểm mới như: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức; phối hợp với các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền QPTD, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.
Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền. Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Luật DQTV, thành phần của DQTV gồm: DQTV tại chỗ; DQTV cơ động; dân quân thường trực; DQTV biển; DQTV phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế. Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trong thời bình: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia DQTV; nếu tình nguyện tham gia DQTV thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV tại chỗ; DQTV cơ động; DQTV biển; DQTV phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 4 năm; dân quân thường trực là 2 năm.
Luật cũng quy định từ ngày 1/7/2020 dân quân thường trực sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội như hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội. Ngoài ra, được hưởng trợ cấp ngày công lao động, được bảo đảm tiền ăn, hưởng chế độ nếu làm nhiệm vụ từ 22h - 6h; ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định, doanh nghiệp được xem xét quyết định thành lập đơn vị tự vệ nếu hoạt động từ đủ 24 tháng trở lên và có số lao động đủ tiêu chuẩn tham gia DQTV ít nhất bằng 1 tiểu đội. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải bảo đảm thực hiện việc này theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, kế hoạch tổ chức của địa phương và phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Ngoài các trường hợp được thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trước thời hạn theo quy định cũ như sức khỏe suy giảm, hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất, luật còn bổ sung thêm một số trường hợp khác được thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách DQTV trong các trường hợp như người có quyết định tuyển dụng công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hoặc công an nhân dân; có giấy báo nhập học vào các trường, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, người đi lao động ở nước ngoài; dân quân nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…
Để đưa Luật DQTV đi vào cuộc sống, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã bám sát các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp đặc điểm địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tổ chức tập huấn luật, thống nhất các nội dung cơ bản của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, trên cơ sở đó vận dụng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện ở cấp mình đúng thời gian quy định, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong cán bộ các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ vị trí, vai trò của lực lượng DQTV trong xây dựng LLVT vững mạnh, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=153930