Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp
Thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tại doanh nghiệp (DN) nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, giảm thiểu tình trạng tranh chấp lao động.
Thế nhưng ở nhiều DN, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, một số DN thực hiện nhưng còn mang tính hình thức, chưa chủ động lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động (NLĐ).
* Còn khó khăn
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng, mặc dù việc thực hiện QCDC ở các DN đã đạt nhiều kết quả khả quan nhưng quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều DN chưa quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện QCDC, một số DN còn giao khoán cho Công đoàn cơ sở (CĐCS) thực hiện. Trong khi đó, theo Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, vai trò chủ động thuộc về DN. Cùng với đó, tỷ lệ DN đã thành lập CĐCS tổ chức đối thoại, hội nghị NLĐ đạt rất thấp. Một số nơi, cán bộ Công đoàn chưa chủ động và tích cực trong việc phối hợp DN tổ chức thực hiện QCDC, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm NLĐ.
Tính đến tháng 9-2019, đã có 424/1.357 DN có tổ chức Công đoàn tổ chức hội nghị NLĐ; có 1.349 cuộc đối thoại tại nơi làm việc và có 1.146 DN ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Thực tế, ở những DN thực hiện tốt QCDC, quyền lợi NLĐ luôn được đảm bảo, đời sống vật chất được cải thiện, NLĐ yên tâm gắn bó với DN. Dù vậy, trong quá trình triển khai, các DN cố tình không thực hiện, đưa ra nhiều lý do để trốn tránh như: do đặc thù sản xuất, không thể ngừng thiết bị, máy móc vận hành; NLĐ đông tại các xưởng, không thể tập hợp nên khó tổ chức đối thoại, do sản xuất để kịp các đơn hàng. Thậm chí một số DN không mấy mặn mà với việc tổ chức đối thoại với NLĐ đã gây khó khăn cho Công đoàn tham mưu, đề xuất thực hiện QCDC cơ sở.
Chị Nguyễn Thị Thanh, Phó chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Group Intellect Power Technology Việt Nam (KCN Long Khánh, TP.Long Khánh) cho hay, là cán bộ Công đoàn trẻ, ít kinh nghiệm nên chị gặp nhiều khó khăn khi thương lượng với chủ DN thực hiện QCDC và các phúc lợi đối với NLĐ. “DN họ cần những việc làm cụ thể, thực tế chứ không phải bằng văn bản dài dòng. Do đó, những hoạt động thực chất, sát sườn sẽ giúp DN hiểu hơn lợi ích của việc thực hiện QCDC và cùng phối hợp với Công đoàn thực hiện” - chị Thanh chia sẻ.
Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) Lê Nhật Trường cho biết, tại một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, việc triển khai QCDC khó khăn do DN không muốn bỏ thời gian, ngừng sản xuất để thực hiện các thủ tục liên quan đến QCDC. Bên cạnh đó, do bất đồng về ngôn ngữ nên việc thương thảo giữa cán bộ CĐCS với chủ DN còn hạn chế.
* Cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ
Theo nhiều cán bộ Công đoàn, việc các DN dành 30 phút, hoặc nhiều hơn để đối thoại với NLĐ rất quan trọng. Bởi khi được DN tôn trọng, chia sẻ, giải đáp thắc mắc, mọi mâu thuẫn đều được giải quyết và không để kéo dài dẫn đến tranh chấp lao động. Cùng với đó, tổ chức hội nghị NLĐ hằng năm, ngoài lắng nghe nguyện vọng của NLĐ để có cách tháo gỡ, khi DN báo cáo tình hình sản xuất trong năm và những kế hoạch năm tới, NLĐ rất phấn khởi, yên tâm gắn bó với DN. Để làm được điều đó, cần có nhiều giải pháp để giúp DN hiểu được lợi ích của hội nghị NLĐ, ký kết thỏa ước lao động tập thể, cùng phối hợp với Công đoàn đẩy mạnh thực hiện QCDC đúng trình tự, quy định.
Anh Hồ Hoàng Anh, Giám đốc sản xuất, kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Elite Long Thành (KCN Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành) cho hay, để ổn định sản xuất, DN và Công đoàn thường đối thoại hằng ngày với công nhân chứ không theo quy định 3 tháng/lần. Cùng với đó, DN có các kênh nắm bắt thông tin từ tổ trưởng, quản lý, những người trực tiếp theo dõi công nhân tại xưởng để ghi nhận kiến nghị và có biện pháp thay đổi. Khi có những kiến nghị của công nhân mà DN chưa tháo gỡ, CĐCS lên phương án thương lượng, đảm bảo các phúc lợi lâu dài.
Còn theo chị Nguyễn Thị Thanh Tin, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa), để giữ vững tình hình ổn định sản xuất như hiện nay, phải kể đến việc DN đã chú trọng phối hợp với CĐCS tăng cường đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng NLĐ. Ở từng bộ phận, nếu NLĐ không hài lòng, DN sẽ ghi nhận và giải đáp, cải thiện ngay. “Với cách làm sát sao đó, mọi mâu thuẫn được giải quyết, DN có thêm chính sách chăm lo tốt cho NLĐ. Từ đó tạo thêm niềm tin của NLĐ với chủ DN” - chị Tin cho hay.
Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Great Kingdom International Corporation Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) Lương Ngọc Hồi cho rằng, để thực tốt QCDC tại DN, cán bộ Công đoàn phải là người có tâm, có tầm và sống vì NLĐ. Từ đó thương thảo hợp lý với chủ DN để nhận được sự đồng thuận của chủ DN. Có như vậy mới xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại DN.