Đẩy mạnh thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản thực phẩm
Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đặc biệt hiện nay tình hình dịch COVID -19 ...

Khách hàng quét QR-Code để biết thông tin về sản phẩm tại gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại Sở Công thương(baophutho.vn) - Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đặc biệt hiện nay tình hình dịch COVID -19 diễn biến phức tạp trong và ngoài nước tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh, là nguyên nhân chính khiến tình hình tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh TMĐT được coi là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là những sản phẩm đã đến mùa thu hoạch, không thể để quá thời gian và cần được bán trong thời gian sớm nhất.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 66 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, sản, thủy sản an toàn, đã có một số sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng cho thành phố Hà Nội như: Chè xanh, thịt chua, nấm Nhật Bản, cá lồng, gà đồi Đất Tổ, bưởi Đoan Hùng, rau an toàn Tứ Xã. Có 28 sản phẩm của 22 chủ thể sản xuất đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng ba sao trở lên, trong đó có tám sản phẩm OCOP đạt hạng bốn sao (mì gạo Hùng Lô; gạo giống Nhật J02; chè xanh Bát tiên Long Cốc; mít sấy; thịt chua Trường Foods; trà Ô Long) và 20 sản phẩm đạt hạng ba sao. Ngoài ra còn có chín sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực. Đây đều là các sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, là những sản phẩm đặc thù của tỉnh, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cán bộ Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản hướng dẫn người dân dán tem truy xuất hồng Gia Thanh
Theo thông tin tổng hợp của Sở Công Thương, hiện nay năm mặt hàng có sản lượng lớn đến vụ hoặc sắp vào vụ thu hoạch cần hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ. Cụ thể: Bí Đao với sản lượng 4.800 tấn (thời vụ: Vụ mùa tháng 9 và Vụ Đông tháng 12), thị trường tiêu thụ dự kiến trong nước; chuối tây với sản lượng 5.300 tấn (thời vụ: Vụ Đông tháng 12), thị trường tiêu thụ dự kiến trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc; ớt tươi với sản lượng 40 tấn, thị trường tiêu thụ dự kiến trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc; trứng gà thương phẩm (của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ với sản lượng 300 triệu quả/năm, thị trường tiêu thụ dự kiến trong nước; chè đen, chè xanh với sản lượng 4.900 tấn (thời vụ: Từ tháng 6 đến tháng 12/2021), thị trường tiêu thụ dự kiến trong nước và xuất khẩu sang Nga, Trung Quốc, các nước Nam Á, Trung Đông, Ấn Độ…
Để giải quyết những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong nước và ra nước ngoài (bằng hình thức trực tuyến) để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh đang khó khăn trong khâu tiêu thụ; duy trì hoạt động của Trung tâm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phân phối hàng hóa mở thêm các điểm bán hàng nông sản an toàn thực phẩm để kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay giãn cách, cách ly xã hội nhưng đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT như giaothuong.net.vn và nongsan.phutho.gov.vn... để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đặng Thế Kiên - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Với tâm lý tránh tiếp xúc gần với tác nhân gây bệnh trong thời điểm dịch bệnh, người dân và doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch lên môi trường trực tuyến, vì vậy việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh TMĐT là cần thiết. Sở Công Thương đã đẩy mạnh kênh này để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT trong việc tiêu thụ nông sản. Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc đưa nông sản lên sàn giao dịch TMĐT là kênh tiêu thụ lâu dài tạo kết nối chặt chẽ trong chuỗi cung ứng nông sản an toàn.Tuy nhiên, việc bán nông sản qua sàn TMĐT sẽ gặp phải khắc phục một số khó khăn, nhất là vấn đề cung ứng. Bởi hiện nay, nông sản đến tay người tiêu dùng phải qua một loạt bên trung gian như thương lái thu mua, nhà vận chuyển, rồi sàn TMĐT, vì vậy, để giữ được độ tươi ngon như khi mới thu hái đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của người dân lâu nay là mua trực tiếp, nhằm kiểm tra thực tế nông sản, còn nếu mua online qua các sàn TMĐT, người mua cần sự kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cũng như từ chính các hợp tác xã, người nông dân.Hiện việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT đã đem lại một số kết quả nhưng so với tổng nhu cầu tiêu thụ nông sản thì kênh tiêu thụ này mới chỉ bắt đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, để việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT có thể tiến xa hơn và phát triển bền vững, các doanh nghiệp, các ngành và chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tiếp cận các sàn TMĐT. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là xây dựng được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín và đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác khi sản phẩm được giao đến người tiêu dùng, tạo niềm tin cho người mua hàng khi sử dụng kênh bán hàng này.