Đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc thúc đẩy kinh tế xanh trở thành nhiệm vụ cấp bách và quan trọng đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thách thức trong việc phát triển kinh tế xanh
Hiện thực cho thấy, áp lực môi trường đã đe dọa sự bền vững của tăng trưởng dài hạn tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, tăng trưởng đã đạt được một phần nhưng với cái giá phải trả về môi trường khá lớn. Nguồn tài nguyên cạn kiệt nhanh chóng là vấn đề rất đáng lo ngại. Ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp và đô thị đã dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em ở các khu vực quanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trong tương lai, đặc biệt là dân cư và hoạt động kinh tế tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất (Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi nước biển dâng). Nguy cơ này sẽ còn tăng cao hơn nữa do sự gia tăng tiêu thụ năng lượng và phụ thuộc vào nhiệt điện than.
Các vấn đề về môi trường cũng đe dọa tăng trưởng dài hạn, nếu vẫn tiếp tục theo đuổi mô hình tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2035 các vấn đề này sẽ càng trầm trọng thêm, trong đó quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa càng làm cạn kiệt thêm tài nguyên đất, nước và năng lượng. Một bài học kinh nghiệm là chất lượng môi trường không khí và nước không chỉ quan trọng đối với các vấn đề sinh thái và chất lượng cuộc sống nói chung mà còn đối với việc nâng cao thu nhập.
Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức đối với việc phát triển kinh tế xanh. Việt Nam có sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực. Điều này đặc biệt rõ ràng trong cơ cấu lao động, khi khoảng 50% lực lượng lao động sống dựa vào nông nghiệp hoặc đất đai dưới các hình thức khác nhau. Chính sách phát triển nông nghiệp yếu kém đã làm gia tăng tình trạng xói mòn đất, phá hủy rừng nguyên sinh và giảm đa dạng sinh học, như tại khu vực Tây Bắc và miền Trung. Tình trạng xói mòn đất làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt đối với đất nông nghiệp và cư dân hạ lưu.
Theo Ngân hàng Thế giới ước tính, phần lớn rừng phòng hộ ngập mặn bị phá hủy, gây thiệt hại khoảng 34 triệu USD mỗi năm. Khai thác quá mức đã làm cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ, đe dọa sinh kế của hàng trăm nghìn người dân. Mặc dù sản lượng nông nghiệp tăng mạnh, nhưng việc sử dụng đất quá mức và lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu đã gây ra nhiều vấn đề. Nếu không có quy định và kiểm soát chặt chẽ, trong 20 năm tới sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt về đất canh tác, nhiều đất rừng sẽ bị chuyển sang mục đích nông nghiệp, khiến tài nguyên quý giá này ngày càng cạn kiệt nhanh hơn.
Bên cạnh đó, chất lượng đất, nước và không khí đã xấu đi đáng kể. Ô nhiễm nước đã trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là tại các vùng gần Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng không khí cũng giảm do tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát điện, sử dụng trong công nghiệp và vận tải. Tại các khu vực đô thị, ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đã làm nhiễm độc các nguồn nước, tác động xấu đến hoạt động kinh tế và mặc dù chưa đánh giá đầy đủ nhưng tác động đến sức khỏe con người là khá nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm những hệ lụy do sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững và suy thoái môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu do vị trí địa lí, tập trung dân cư đông ở các vùng đồng bằng thấp và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các ngành dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Các dự báo về lượng mưa, nhiệt độ và mực nước biển cho thấy các địa bàn có mật độ cao và có tầm quan trọng về kinh tế phải đối mặt với rủi ro lớn.
Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng tại Việt Nam tăng nhanh hơn bất kì quốc gia nào khác trong khu vực, chủ yếu là do tăng tiêu thụ điện năng. Theo xu thế và chính sách hiện nay, tỷ trọng than dùng cho phát điện sẽ tăng từ 32% năm 2014 lên đến 54% năm 2030, trong khi khoảng 60% lượng than dùng cho sản xuất điện sẽ phải nhập khẩu. Cường độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam cũng thuộc hàng cao nhất thế giới, một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng năng lượng kém hiệu quả.
Tăng cường phát triển kinh tế xanh
Để đạt được phát triển bền vững, Việt Nam cần thực hiện những lựa chọn đúng đắn trong quá trình phát triển. Hiện nay, Việt Nam đang ở thời điểm then chốt, và lựa chọn đúng sẽ giúp tránh suy thoái môi trường và những chi phí khắc phục hậu quả như nhiều quốc gia đã gặp phải. Tăng trưởng cac-bon thấp cần ưu tiên đầu tư với xem xét phí tổn môi trường, đảm bảo phát triển bao trùm và khả năng chống chịu, là một lựa chọn bền vững và khả thi trong dài hạn.
Chính vì vậy, phải có thể chế mạnh để giám sát và thực thi các kế hoạch, chính sách, pháp luật đối với quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên bền vững. Khuyến khích đầu tư bền vững, với sự tham gia của khu vực tư nhân mang lại lợi ích cho môi trường và người nghèo. Cũng cần cải thiện việc tiếp cận và sử dụng thông tin trong quá trình ra quyết định, giám sát, đảm bảo tính công khai và trách nhiệm giải trình.
Việt Nam cần có sự phối hợp tốt hơn nữa với các tổ chức quốc tế; các quốc gia; các định chế tài chính quốc tế để khắc phục thất bại thị trường liên quan đến môi trường cũng như thực thi nghiêm các luật lệ và tiêu chuẩn.
Giáo dục và tuyên truyền về tầm quan trọng của kinh tế xanh đối với cộng đồng và doanh nghiệp là điều cần thiết. Khi mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, họ sẽ có những hành động thiết thực hơn trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.