Đẩy mạnh tiếp cận chẩn đoán và quản lý bệnh lao, lao tiềm ẩn
Trong 2 ngày (27-28/4), tại TP Đà Lạt, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng tổ chức hội thảo về định hướng và xây dựng kế hoạch triển khai tiểu dự án Quỹ Toàn cầu và phối hợp với bệnh viện đa khoa sàng lọc nhóm nguy cơ cao phát hiện bệnh lao tại Lâm Đồng cho hơn 100 cán bộ y tế mạng lưới phòng chống lao trong tỉnh.
Dự án phòng chống lao tại 5 tỉnh: Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông và Lạng Sơn của Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021 - 2023 tập trung phát hiện chủ động bệnh nhân lao tại các vùng có dịch tễ cao; sàng lọc, chẩn đoán, quản lý điều trị lao tiềm ẩn cho 5 tỉnh; triển khai sàng lọc bệnh lao tại BVĐK tỉnh, bệnh viện, phòng khám tư nhân; giám sát các hoạt động phòng chống lao tại các tuyến tỉnh, huyện, xã. Kinh phí triển khai giai đoạn 2021 - 2023 tại Tây Nguyên là 19 tỷ đồng.
Định hướng giai đoạn 2021 - 2023 tập trung nguồn lực củng cố hệ thống chống lao, tăng cường công tác phát hiện bệnh lao, cần được quan tâm song song với việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong cả các bệnh viện chuyên khoa lao cũng như các bệnh viện đa khoa. Sử dụng xét nghiệm Gene Xpert như một công cụ đột phá về công nghệ để tăng cường công tác phát hiện trong chương trình. Thực hiện chiến lược XQ - EXPERT để tăng cường phát hiện lao chủ động tại các khu vực nguy cơ cao, đối tượng ưu tiên. Phối hợp và trợ giúp các tỉnh chưa thành lập bệnh viện lao và bệnh phổi sớm có mô hình phù hợp. Tăng cường tầm soát, sàng lọc, phát hiện các bệnh nhân lao đa kháng thuốc, tiền/ siêu kháng thuốc, tăng tối đa tỷ lệ thu nhận điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc trên toàn quốc nhằm đạt chỉ tiêu của chương trình chống lao quốc gia. Nâng cao chất lượng xét nghiệm và năng lực hệ thống xét nghiệm - Xây dựng năng lực xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 trên nền tảng mạng lưới GeneXpert (Xpert - Covid test). Bước đầu thí điểm và mở rộng hoạt động sàng lọc, phát hiện và điều trị lao tiềm ẩn.
Mở rộng diện triển khai hoạt động phối hợp y tế công -tư. Khuyến khích các cơ sở y tế công và tư nhân áp dụng kỹ thuật chẩn đoán bệnh lao bằng GeneXpert để tăng cường phát hiện bệnh nhân. Áp dụng công nghệ thông tin (ACIS) để nâng cao hiệu quả chuyển gửi từ cơ sở y tế công -tư. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động phối kết hợp lao/HIV, phát hiện, quản lý bệnh lao, lao kháng thuốc tại các trại giam.
Chỉ tiêu phát hiện bệnh lao chủ động cho 5 tỉnh bằng kỹ thuật 2X cho người nghi mắc lao, triển khai tại một số huyện (20 huyện/5 tỉnh); chụp XQ cho 1.000 người/ huyện; làm xét nghiệm GeneXpert cho 200 người/huyện. Triển khai phối hợp y tế công - tư, tập huấn quản lý điều trị lao và các mô hình phối hợp, cài đặt, sử dụng phần mềm hỗ trợ chuyển gửi bệnh nhân, hỗ trợ kinh phí chuyển gửi, điều trị thành công.