Đẩy mạnh tiết kiệm điện và triển khai các giải pháp nhằm cấp điện an toàn, ổn định trong mùa nắng nóng

Năm 2023, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nền nhiệt trên cả nước cao hơn trung bình nhiều năm. Một số đợt nắng nóng gay gắt sẽ xảy ra từ tháng 5 đến tháng 8 với nền nhiệt độ ở nhiều nơi có thể lên đến 400 C. Nước một số hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết, gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung cấp điện của cả nước, nhất là các tháng nắng nóng trong năm. Nhận định về nguy cơ thiếu hụt nguồn điện sẽ diễn ra nghiêm trọng, vì vậy, công tác tiết kiệm điện có vai trò đặc biệt quan trọng.

Đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện cho học sinh trong các trường học -Ảnh: N.K

Đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện cho học sinh trong các trường học -Ảnh: N.K

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng và tháng 5, 6, 7. Theo số liệu thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), công suất cực đại ngày 21/4/2023 đạt 3.536,1 MW, tăng 10,21% so với cùng kỳ năm 2022; ngày 6/5/2023, công suất cực đại đạt 3.638,8MW, tăng 13,42% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng đối với tỉnh Quảng Trị công suất cực đại ngày 6/5/2023 đạt 145 MW, sản lượng điện tiêu thụ cực đại ngày 6/5/2023 đạt 2865.653 kWh. Dự báo trong các ngày nắng nóng sắp tới, công suất cực đại còn tiếp tục tăng cao.

Để thực hiện công điện số 397/CĐTTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ tăng trưởng phát triển; công văn 2366/UBND-KT ngày 21/5/2023 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc tiết kiệm điện và đẩy mạnh các giải pháp cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh trong những tháng mùa khô năm 2023, PC Quảng Trị đã gấp rút triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Xây dựng chi tiết phương án đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh mùa khô và cả năm 2023. Bố trí đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực tăng cường trực 24/24 giờ trong ngày để vận hành và sẵn sàng xử lý nếu có sự cố xảy ra. Công tác sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện phải rà soát kỹ phương án tổ chức thi công, bố trí thời gian cắt điện phù hợp, tăng cường áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng để hạn chế tối đa gián đoạn cung cấp điện.

Thực hiện phương thức vận hành ổn định, an toàn trong hệ thống điện. Tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường dây, trạm biến áp, nâng cao năng lực khai thác thiết bị, hạn chế sự cố, giảm tổn thất điện năng. Có phương án đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng trên địa bàn tỉnh theo danh sách ưu tiên cấp điện năm 2023.

Tiến hành làm việc trực tiếp với các khách hàng sử dụng điện lớn để tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tự nguyện Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR)-phi thương mại, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công thương. Vận động, khuyến khích cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng máy phát điện dự phòng (nếu có) nhằm chủ động thêm nguồn cung cấp điện…

Đối với các đơn vị, địa phương và khách hàng sử dụng điện cần xây dựng các giải pháp triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó xác định trọng tâm cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn dân về tình hình khó khăn trong cung cấp điện hiện nay, tạo sự đồng thuận để người dân, doanh nghiệp tự giác tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng năm 2023.

Các đơn vị quản lý chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng, giảm 50% công suất chiếu sáng vào giờ cao điểm buổi tối của hệ thống điện, trừ các dịp ngày lễ, ngày tết và các sự kiện lớn tại địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ; hướng dẫn các cá nhân, tổ chức chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, đặt điều hòa nhiệt độ từ 260 C trở lên.

Tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng điện của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các khách hàng sử dụng điện lớn trên địa bàn. Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng. Tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả.

Phối hợp với ngành điện có giải pháp điều chỉnh kế hoạch sản xuất của đơn vị cho phù hợp với tình hình cung ứng điện, chung tay đồng hành với ngành điện sẵn sàng tiết giảm nhu cầu sử dụng điện trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

Mặt khác, PC Quảng Trị rất mong nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân, khách hàng thông qua việc sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối (11 giờ 30 phút -14 giờ 30 phút và 20 giờ -22 giờ).

Đồng thời, chú ý sử dụng điều hòa nhiệt độ hợp lý (26 -270 C trở lên, kết hợp quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn. Đối với tủ lạnh, nên chọn tủ lạnh có kích thước phù hợp với số người sử dụng. Đặt tủ lạnh ở nơi thoáng mát, xa nguồn nhiệt, đặt nhiệt độ ở mức phù hợp, thường xuyên kiểm tra tủ đảm bảo tủ được kín, tránh thất thoát nhiệt lạnh.

Đối với máy giặt nên chọn chế độ giặt phù hợp với chất liệu vải, khối lượng đồ giặt phù hợp với công suất của máy, nếu giặt ít quần áo nên chọn lại mức nước cho phù hợp lượng đồ giặt. Bên cạnh đó, khuyến cáo khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công thương; thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm.

Đối với các doanh nghiệp nên chủ động chuyển đổi sang năng lượng xanh, sử dụng các thiết bị, máy móc tiêu hao ít năng lượng hơn, sử dụng điện vào giờ thấp điểm để góp phần sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/day-manh-tiet-kiem-dien-va-trien-khai-cac-giai-phap-nham-cap-dien-an-toan-on-dinh-trong-mua-nang-nong/177229.htm