Hạ tầng điện đi trước một bước

Ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu Kinh tế Cửa khẩu Na Mèo, Thanh Hóa có tới 19 khu công nghiệp và 126 cụm công nghiệp. Do đó, vấn đề về nguồn vốn, phương án đầu tư nhanh, thành công và hiệu quả các dự án nguồn điện, lưới điện cần nhận được sự chú trọng đặc biệt và đồng hành của cả chính quyền và nhà đầu tư.

Tháo lắp, bảo dưỡng van Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Khu Kinh tế Nghi Sơn).

Tháo lắp, bảo dưỡng van Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Khu Kinh tế Nghi Sơn).

Khu vực tỉnh Thanh Hóa hiện đang nhận điện từ 4 trạm biến áp 220kV với tổng dung lượng khoảng 2.000MVA; 5 nhà máy thủy điện và 1 nhà máy năng lượng mặt trời với tổng công suất 300,8MW. Cấp thiết nhu cầu điện khi các dự án sản xuất mới đi vào vận hành; đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch chuyển dòng vốn đầu tư mới về tỉnh trong tương lai, hạ tầng điện cần tiếp tục được hoạch định, chú trọng đầu tư đồng bộ và hiện đại hơn nữa.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, nhiều năm gần đây, điện năng thương phẩm trên địa bàn Thanh Hóa luôn có tốc độ tăng trung bình khoảng 10%/năm. Còn theo phân loại chi tiết của Công ty Điện lực Thanh Hóa, điện năng thương phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ khoảng hơn 50% và luôn duy trì tốc độ tăng cao nhất. Điển hình như giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân là 13,75% thì tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng lên tới 14,88%. 9 tháng năm nay, điện năng thương phẩm cũng duy trì mức tăng 13%; trong đó, khách hàng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 56,68%, tăng trưởng 10,62%. Đối tượng khách hàng 110kV (khách hàng sản xuất công nghiệp lớn) chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện thương phẩm lên tới hơn 35% và tăng trưởng 9,08%; khách hàng khu vực thương mại dịch vụ cũng tăng 17,91% điện thương phẩm đã dùng.

Để đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho khu vực Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã đầu tư 35 dự án lưới điện 110kV, với tổng mức đầu tư 3.465 tỷ đồng; trong đó có 14 dự án đã hoàn thành và 21 dự án đang triển khai. Cùng với đó, đơn vị cũng triển khai 107 dự án lưới điện trung, hạ áp, với tổng nguồn vốn 985,7 tỷ đồng. Đến nay, đã có 72 dự án lưới điện đã hoàn thành và 3 dự án chuẩn vị đầu tư.

Đặc biệt, từ tháng 6/2024 trạm “siêu cao áp” 500kV Thanh Hóa và đấu nối đóng tại Thiệu Hóa (dự án thành phần của đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đi vào vận hành). Tại đây, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã thực hiện điều tiết một phần dòng điện từ miền Nam vận chuyển ra Bắc, hạ tải xuống 2 trạm biến áp 220kV để bổ sung cho nhu cầu của Thanh Hóa.

Thông qua trạm biến áp 500kV Thanh Hóa (Thiệu Hóa), nguồn điện sẽ được điều tiết, hạ tải xuống trạm biến áp 220kV để bổ sung cho nhu cầu tiêu thụ của Thanh Hóa.

Thông qua trạm biến áp 500kV Thanh Hóa (Thiệu Hóa), nguồn điện sẽ được điều tiết, hạ tải xuống trạm biến áp 220kV để bổ sung cho nhu cầu tiêu thụ của Thanh Hóa.

Thanh Hóa hiện là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với 173 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 14,96 tỷ USD. Thu hút đầu tư trong nước (DDI) và FDI vào Thanh Hóa tiếp tục có những tín hiệu khởi sắc hơn kể từ sau dịch bệnh COVID-19. Điển hình như năm 2023, toàn tỉnh thu hút được 71 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 16.356 tỷ đồng và 18 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 228,4 triệu USD. 9 tháng năm nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 94 dự án (trong đó có 17 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 12.432,9 tỷ đồng và 367,8 triệu USD, so với cùng kỳ gấp 1,8 lần về số dự án và tăng 26% về số vốn đăng ký. Thu hút đầu tư tốt, đồng nghĩa với tỉnh Thanh Hóa sẽ gặp áp lực trong đáp ứng hạ tầng điện phục vụ nhu cầu xây dựng và vận hành các dự án. Trong khi đó, những nhà đầu tư được tỉnh Thanh Hóa “chọn mặt gửi vàng” trong những năm gần đây luôn đòi hỏi hạ tầng đồng bộ và có chất lượng cao, trong khi quy hoạch về triển khai dự án có thời điểm còn chưa kịp đáp ứng.

Dự báo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho thấy, trong giai đoạn 2023-2025, có một số khu vực sẽ có phụ tải điện lớn và tăng cao, tập trung ở các địa phương có các dự án, nhà máy có kế hoạch đi vào vận hành, như: TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn - huyện Quảng Xương (vùng 1); thị xã Nghi Sơn - Nông Cống - Như Thanh - Như Xuân (vùng 2); thị xã Bỉm Sơn - Hoằng Hóa - Hậu Lộc - Nga Sơn - Hà Trung (vùng 3); Đông Sơn - Thiệu Hóa - Triệu Sơn - Yên Định - Vĩnh Lộc - Thường Xuân - Thọ Xuân... Đặc biệt, nhiều dự án đang đầu tư đã đăng ký kế hoạch đưa phụ tải vào vận hành, với tổng công suất đăng ký thêm trong giai đoạn 2023-2025 là 949MW, điển hình như: Các nhà máy ở Khu Kinh tế Nghi Sơn đăng ký nhu cầu sử dụng thêm 519,6MW để phục vụ vận hành Nhà máy thép Nghi Sơn số 2, Khu Công nghiệp luyện kim; khu vực thị xã Bỉm Sơn đăng ký tăng thêm 64MW phục vụ vận hành Nhà máy lốp COFO Việt Nam; TP Sầm Sơn đăng ký thêm 90MW... Dự kiến đến năm 2025, công suất điện toàn tỉnh đạt tới 1.650MW; sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 8 triêụkWh.

Cùng với đó, theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics..., ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu Kinh tế Cửa khẩu Na Mèo, Thanh Hóa có tới 19 khu công nghiệp và 126 cụm công nghiệp. Do đó, vấn đề về nguồn vốn, phương án đầu tư nhanh, thành công và hiệu quả các dự án nguồn điện, lưới điện cần nhận được sự chú trọng đặc biệt và đồng hành của cả chính quyền và nhà đầu tư.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ha-tang-dien-di-truoc-mot-buoc-226488.htm