Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu các loại nông sản theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, các sở, ngành liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến, phân phối các mặt hàng nông sản; đồng thời, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần.

Mặc dù giá giảm song việc tiêu thụ bưởi của gia đình ông Nguyễn Phùng Khả, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường vẫn chậm. Ảnh Nguyễn Lượng

Mặc dù giá giảm song việc tiêu thụ bưởi của gia đình ông Nguyễn Phùng Khả, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường vẫn chậm. Ảnh Nguyễn Lượng

Trước tình hình mô hình trình diễn bưởi thâm canh trên địa bàn xã Lãng Công (Sông Lô) gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, hiện tồn đọng hơn 20 nghìn quả bưởi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề, Huyện Đoàn Sông Lô đã phát động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong huyện chung tay tiêu thụ.

Anh Khổng Vương An, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cao Phong, huyện Sông Lô cho biết: Chia sẻ giúp nhau vượt qua khó khăn, dưới sự phát động của Huyện Đoàn, Đoàn Thanh niên xã đã kêu gọi ĐVTN, nhân dân trên địa bàn chung tay tiêu thụ bưởi với giá 10 nghìn đồng/quả. Đến nay, sau 4 ngày phát động, nhân dân trong xã đã đăng ký mua gần 500 quả bưởi.

Tại các xã vùng bãi như Vĩnh Ninh, Phú Đa... huyện Vĩnh Tường; Liên Châu, Trung Kiên, Hồng Châu... huyện Yên Lạc, năm nay, bưởi được mùa nhưng do dịch Covid-19 kéo dài nên nhiều hộ cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Trước đó, cuối tháng 12/2021, đầu tháng 1/2022, tại nhiều cửa hàng buôn bán nông sản, tuyến đường trên địa bàn tỉnh, giá các loại nông sản miền Nam được chào bán với giá rất rẻ. Đơn cử như thanh long ruột đỏ giá 45 nghìn đồng/thùng 7 kg; mít Thái có giá 5- 8 nghìn đồng/kg.

Theo chị Đàm Thị Phượng, một tiểu thương tại phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, đây là các loại hoa quả “giải cứu” cho bà con vùng trồng ở các tỉnh phía Nam không xuất được hàng theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Thực hiện Chỉ thị số 14/2021 của Bộ Công thương về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với việc thông tin kịp thời về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc qua các cửa khẩu của các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh..., Sở Công thương, Sở NN&PTNT đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của các DN, HTX sản xuất, chế biến, phân phối các mặt hàng nông sản trên địa bàn, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chức năng, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường; rà soát sản lượng nông sản dự kiến thu hoạch trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án tiêu thụ theo diễn biến của thị trường trong và ngoài nước.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, cơ quan thông tin đại chúng thông tin đầy đủ kịp thời về thị trường, giá cả, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương, kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

Cục Quản lý thị trường đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương tại thị trường trong nước thông qua xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu.

Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam.

Đồng thời, rà soát, tổng hợp các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản của các DN sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn nhằm đẩy mạnh thu mua, chế biến và hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết.

Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 270 của UBND tỉnh thực hiện Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc" theo Quyết định số 194 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 88 của Sở Công thương về việc Bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc chuẩn bị cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, các siêu thị, Trung tâm thương mại đã rà soát tổng hợp khả năng dự trữ kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản của hệ thống phân phối của đơn vị mình nhằm phục vụ đủ nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72965/day-manh-tieu-thu-nong-san-tai-thi-truong-noi-dia.html