Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh có trên 4,4 nghìn khách hàng được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Ngay từ đầu năm 2023, toàn chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã đẩy mạnh giải ngân vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Ảnh chụp tại điểm giao dịch UBND xã Tú Lý (Đà Bắc). Ngày 15/2, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn tín dụng CSXH giai đoạn 2022 - 2023 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Sau 1 năm thực hiện, NHCSXH đã giải ngân vốn ưu đãi đến gần 300 nghìn lượt đối tượng thụ hưởng. Đối với tỉnh Hòa Bình, chính sách đã sớm đi vào cuộc sống, là động lực quan trọng để các đối tượng thụ hưởng đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Theo lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng được giao, đối tượng thụ hưởng quy định và danh sách phê duyệt của cấp thẩm quyền, chi nhánh đã tập trung triển khai cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đến hết tháng 1/2023, trên địa bàn tỉnh có 4.422 khách hàng vay vốn của 5/5 chương trình tín dụng. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm 150 tỷ đồng/2.992 khách hàng; nhà ở xã hội 112,2 tỷ đồng/325 khách hàng; học sinh sinh viên (HSSV) mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 9,1 tỷ đồng/1.017 khách hàng; cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập 987 tỷ đồng/15 khách hàng; chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) 5,2 tỷ đồng/73 khách hàng. Ngoài ra, toàn chi nhánh thực hiện hỗ trợ các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm phát sinh từ ngày 1/1/2022 trên 15 tỷ đồng, cho hơn 32 nghìn khách hàng. Việc triển khai kịp thời các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã tạo đòn bẩy để phục hồi và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến thời điểm này, việc triển khai các chương trình tín dụng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội, khách hàng vay mua nhà ở xã hội nhận tiền vay theo tiến độ công trình, thông báo nộp tiền của chủ đầu tư. Thế nhưng hiện chưa có thông báo của chủ đầu tư; còn khách hàng xây mới, sửa chữa nhà để ở không đủ điều kiện vay vốn (như thu nhập phải đóng thuế cá nhân, không đáp ứng được giá trị đảm bảo tiền vay). Hay chương trình cho vay hộ ĐBDTTS& MN theo Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ hiện cũng gặp những khó khăn. Việc rà soát nhu cầu vay vốn tại cơ sở gặp khó do một số tiêu chí chưa cụ thể, rõ ràng về đối tượng, điều kiện, mức vay; chưa có danh sách phê duyệt đối tượng thụ hưởng các chương trình hỗ trợ về thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuỗi giá trị và dự án trồng dược liệu quý của cấp thẩm quyền. Còn chương trình cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học trực tuyến và chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập hiện không còn phù hợp. Bởi dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên HSSV không còn học trực tuyến, các cơ sở giáo dục đã cân đối được nguồn vốn. Để tháo gỡ khó khăn, triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, chi nhánh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình tín dụng; bám sát chỉ đạo của cấp trên, phối hợp các ngành chức năng để triển khai các chương trình tín dụng; tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, nhất là tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN. Ngoài ra, chủ động phối hợp các đơn vị liên quan, UBND cấp xã rà soát nhu cầu vay vốn, trình cấp thẩm quyền phê duyệt danh sách đối tượng được thụ hưởng làm cơ sở cho vay và tổ chức giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Viết Đào