Đẩy mạnh trồng rau an toàn, HTX Đại Lan giúp nông dân bội thu
Nhờ trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do HTX Đại Lan hướng dẫn, nhiều hộ nông dân xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng rau truyền thống 'hàng chợ' trước đây.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Đặng Bá Thắng - Giám đốc HTX Kinh doanh Dịch vụ Thương mại tổng hợp Đại Lan cho biết, tính riêng địa bàn thôn Đại Lan, HTX có quy mô 53,75ha đất sản xuất theo quy trình VietGAP với 18 hộ thành viên.
Đưa quy trình chuẩn VietGAP về với đồng ruộng thôn làng
Những năm qua, HTX Đại Lan đã cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh của thành viên như: giống cây trồng, tưới tiêu, nước sạch, hoa quả, cây trồng. Cụ thể, HTX đang sản xuất các loại rau theo mùa như: cà chua, súp lơ, rau bí, bắp cải, mướp, su hào, dưa chuột, rau muống…
Giám đốc HTX Đặng Bá Thắng cho biết, việc đa dạng giống cây trồng nhằm tránh sản lượng lớn khi thu hoạch rộ cùng loại rau màu, bởi kênh tiêu thụ chủ yếu bà con nông dân vẫn là thương lái và chợ truyền thống.
Hiện, khoảng 90% số hộ trồng rau vẫn mang sản phẩm đi bán lẻ ở các chợ nội hoặc ngoại thành Hà Nội với khối lượng khoảng 50-70 kg/hộ mỗi ngày. Thương lái có đến lấy sản phẩm để tiêu thụ và HTX cũng thu mua sản phẩm của nông dân nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 10-15%.
“Thôn Đại Lan là thôn thuần nông, 100% người dân sống bằng nghề này. Tuy nguồn vốn sản xuất vẫn là từ người dân nhưng HTX luôn tập trung hỗ trợ cho bà con những công nghệ khoa học kỹ thuật chuẩn theo quy trình VietGAP và giống cây trồng. HTX cũng là nơi cung cấp nguồn nước sạch để tưới tiêu cho hầu hết hộ dân”, ông Thắng nói
Đây là nguồn nước tưới từ sông không bị ô nhiễm hoặc phải qua nhiều khâu xử lý. Đối với rau xà lách và các loại rau gia vị, HTX sẽ sử dụng nước giếng khoan.
HTX có chứng nhận OCOP đầu tiên tại huyện Thanh Trì
Về giống cây trồng, HTX phổ biến cho người dân phải biết rõ lý lịch nơi sản xuất giống. Những sản phẩm của HTX chỉ được gieo trồng từ các loại giống tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không mang nguồn sâu bệnh.
Đặc biệt, mỗi năm, HTX sẽ mua khoảng 60 tấn phân bón Quế Lâm để cấp và bán cho 100 hộ gia đình nông dân. HTX cũng hướng dẫn bà con tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới. Ngoài ra, cần sử dụng phân bón thúc vừa đủ theo yêu cầu của từng loại rau.
Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư hệ thống nhà sơ chế với diện tích 200 m2 và các trang thiết bị hiện đại đảm bảo sơ chế rau đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm. Ở đây, rau sẽ được phân loại, làm sạch; rau được rửa kỹ bằng nước sạch, dùng bao túi sạch để chứa đựng.
“Mỗi năm, HTX tổ chức nhiều buổi tập huấn về rau củ cho người dân, có thể coi là đơn vị tổ chức nhiều buổi tập huấn nhất trên địa bàn huyện Thanh Trì. Từ đầu năm đến nay, HTX đã tổ chức 5 buổi tập huấn”, Giám đốc Đặng Bá Thắng chia sẻ.
Qua những buổi tập huấn này, những thành viên trong HTX đã đảm bảo đúng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm khuyến nông Hà Nội đưa ra, từ đó đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường nói chung và người tiêu dùng nói riêng.
Sau nhiều năm phát triển, HTX đã đạt được chứng nhận OCOP đầu tiên trong huyện Thanh Trì với sản phẩm rau an toàn làm theo quy trình VietGAP, có truy xuất nguồn gốc. Quy trình VietGAP mà HTX phổ biến giúp người dân nâng cao năng suất, thu nhập trên đầu sào cũng tăng lên khiến bà con rất phấn khởi. Theo tính toán, việc trồng rau an toàn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với những quy trình trước đây.
Ngoài hỗ trợ của HTX, UBND huyện cũng có nhiều chương trình hỗ trợ người dân về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Song song với đó, HTX cũng đề xuất thêm những hỗ trợ của huyện để thu mua hàng hóa của người dân.
Tìm lời giải cho “bài toán” vốn, tiêu thụ
Tuy nhiên, nói về những khó khăn của HTX, ông Thắng cho biết, từ những năm đầu thành lập, HTX cũng mong muốn Liên minh HTX TP Hà Nội hỗ trợ vay vốn, nhưng chưa được thông qua bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên cạnh đó, HTX cũng gặp những khó khăn về đầu ra để tiêu thụ sản phẩm khi chưa thể đảm bảo sự ổn định cho người sản xuất.
“Các cơ quan, thương lái nghe được những thông tin về sản phẩm của HTX sẽ về tận nơi thu mua, ký hợp đồng để người dân bán sản phẩm. Các năm trước, những vụ gần Tết, có đến hàng chục xe tải về mua cà chua, bắp cải nhưng đến 2 năm nay, cà chua lại mất mùa vì bệnh lạ”, ông Thắng giãi bày.
Những khó khăn khác có thể kể đến như vụ su hào, bắp cải, cà chua chỉ được thu hoạch ở một thời điểm trong năm (cao điểm 1 sào trồng bắp cải có thể cho đến 1,5-1,6 tấn) nhưng hầu hết người dân vẫn phải tự bán lẻ chứ chưa có nhiều nguồn tiêu thụ theo hợp đồng dài hạn.
Chưa kể, vào những mùa nóng, rau củ có năng suất thấp, người dân chủ yếu trồng bầu, bí, rau cải nhưng đạt sản lượng dưới 10 tạ/sào.
Giám đốc HTX chia sẻ, trong 800-900 hộ gia đình toàn thôn, có khoảng 300 hộ sản xuất sản phẩm sạch với khoảng 240 hộ thực hiện trực tiếp cho đến năm ngoái, nhưng năm nay chỉ còn 230 hộ. Làm sao để giữ chân bà con tiếp tục gắn bó với sản xuất nông nghiệp sạch vẫn là “bài toán” nan giải mà ban lãnh đạo HTX trăn trở.
“Song, tín hiệu đáng mừng là dù người làm giảm nhưng diện tích đất vẫn được canh tác hết. Quyết tâm không bỏ hoang đất trồng trọt, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng rau sang hoa quả với các loại cây ăn quả khác như ổi, đu đủ, bưởi…và đạt được nhiều kết quả khả quan”, ông Thắng chia sẻ.
Trong tương lai, để khắc phục những khó khăn nêu trên khi nhìn nhận theo hướng phát triển bền vững, ông Thắng mong muốn HTX kết nối được với những doanh nghiệp lớn, uy tín và chuyên nghiệp để đảm bảo được thêm nguồn tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
“Để nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn, các cấp, ngành cần có chính sách hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, các hộ nông dân sản xuất rau an toàn tích cực ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất rau an toàn, góp phần tạo nguồn sản phẩm rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Giám đốc HTX Đại Lan bày tỏ.