Đẩy mạnh truyền thông dân số

Thời gian qua, huyện Vạn Ninh đã tăng cường việc tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, công tác dân số trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dân số từng bước được nâng lên.

Thời gian qua, huyện Vạn Ninh đã tăng cường việc tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, công tác DS trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng DS từng bước được nâng lên.

Áp dụng nhiều hình thức

Ông Lê Xuân Sơn - cán bộ Khoa DS-KHHGĐ thuộc Trung tâm Y tế huyện cho biết, thời gian qua, công tác truyền thông DS-KHHGĐ ở huyện được triển khai đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Ngoài truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, qua sinh hoạt định kỳ của các câu lạc bộ, lồng ghép qua các ban, ngành, đoàn thể địa phương, huyện còn đẩy mạnh truyền thông gián tiếp thông qua hệ thống truyền thanh của huyện, treo băng rôn, pano, áp phích, tờ rơi... Nhờ vậy, công tác DS trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng DS được nâng lên, nhận thức của người dân về công tác DS trong tình hình mới ngày càng được nâng cao…

 Ngành Dân số Vạn Ninh tích cực truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ngành Dân số Vạn Ninh tích cực truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Chị Trần Thị Trúc Ly (xã Vạn Phú) cho biết, nhờ thường xuyên cập nhật thông tin qua hệ thống loa đài ở xã về các chính sách pháp luật DS-KHHGĐ, chị đã hiểu được những thách thức của việc mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy sinh nhiều con. Qua đó, chị chỉ sinh đủ 2 con, chăm lo phát triển kinh tế. Hiện tại, kinh tế gia đình chị khá ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu - chuyên trách DS xã Vạn Phú, xã có 40 cụm loa phát thanh trải rộng khắp địa bàn xã. Nhờ đó, mọi thông tin được người dân cập nhật một cách dễ dàng. Hiện nay, truyền thông đã đến với từng nhà, từng thôn, xóm theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”nhằm thay đổi từ nhận thức đến tự giác thực hiện và hành động. Chính vì vậy, hiệu quả của truyền thông tác động rõ rệt đến kết quả của các chương trình, đề án và hoạt động thường xuyên của công tác DS tại địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông

Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông gián tiếp, thời gian qua, huyện Vạn Ninh đã phối hợp với bộ phận truyền thanh xã phát 319 lượt tin, bài với 952 lần, thời lượng phát tin 4.760 phút; cấp phát 1.500 tờ rơi; treo 84 khẩu hiệu tuyên truyền. Nhờ vậy, công tác DS trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2019, tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 77,2%; số ca sàng lọc trước sinh và sơ sinh đạt 960 ca; tỷ suất sinh thô đạt 12,78%.

Ông Lê Xuân Sơn cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, công tác truyền thông vẫn còn một số hạn chế, như: Truyền thông vẫn chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ở một số địa phương, tập quán và tư tưởng lạc hậu vẫn chi phối đời sống, hành động của người dân; kinh phí hỗ trợ cho công tác truyền thông còn hạn chế nên hoạt động truyền thông chưa có chiều sâu, chưa được thường xuyên…

Theo ông Sơn, thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả truyền thông gián tiếp, ngành DS tỉnh cần phát huy thế mạnh của các cơ quan truyền thông đại chúng. Ngoài ra, tỉnh cần mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin, tư vấn về DS và phát triển qua Internet, các trang web, trang tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và những phương tiện truyền tin khác để các huyện, thị xã nắm được phương hướng tuyên truyền cho người dân một cách nhanh và hiện đại nhất; sản xuất các sản phẩm truyền thông về DS và phát triển để phục vụ truyền thông trực tiếp và cung cấp cho nhóm đối tượng đích, nhóm đối tượng có tác động mạnh đến sự chuyển đổi hành vi. Cùng với đó, chú trọng hình thức, nội dung, cách thể hiện phù hợp trong sản phẩm truyền thông dành cho nhóm đối tượng đặc thù, khó tiếp cận ở các vùng khó khăn...

THANH TRÚC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202006/day-manh-truyen-thong-dan-so-8169456/