Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia

Rượu, bia là đồ uống có cồn được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu từ tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm. Hầu hết người dân đều ít quan tâm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,6 triệu ca tử vong do uống rượu; 23,5% thanh niên 15-19 tuổi đang sử dụng rượu.

Rượu được bày bán tại một cửa hàng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.

Rượu được bày bán tại một cửa hàng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia số 44/2019/QH14, hiệu lực thi hành từ 1/1/2020. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 25 /KH-UBND, ngày 22/1/2025 về việc truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030, với mục tiêu có 95% người dân trưởng thành có hiểu biết đúng về tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; 100% người điều khiển phương tiện giao thông được truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống; 95% cơ sở kinh doanh rượu, bia; 90% hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định pháp luật khác liên quan tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.

Thực hiện 5 mục tiêu đề ra, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị tăng cường quán triệt, tổ chức triển khai kịp thời nội dung Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030. Ban hành kế hoạch, đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn được phân công quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn toàn tỉnh; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi làm lan truyền các thông tin sai sự thật, không đúng quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm và phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phổ biến nội dung của Luật và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành có liên quan bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng đối tượng, địa phương. Xây dựng, phổ biến tài liệu truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp theo ngành, lĩnh vực và địa phương; cung cấp, phổ biến tài liệu truyền thông kịp thời, đa dạng về hình thức cho hệ thống truyền thông từ trung ương đến địa phương. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho người tham gia công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia từ tỉnh đến cơ sở.

Sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công thương có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch truyền thông phòng chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh Sơn La hằng năm; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị hướng dẫn tổ chức triển khai kế hoạch và kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh truyền thông về tác hại và phòng, chống tác hại của rượu, bia cho học sinh, sinh viên...

Lê Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-de-hom-nay/day-manh-truyen-thong-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-RSYTJcKHR.html