Đẩy mạnh truyền thông về cải cách thủ tục hành chính và mô hình mới

Sáng 31/7, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là tổ công tác và hội đồng tư vấn) tổ chức phiên họp thứ năm theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến sơ kết công tác cải cách TTHC, hoạt động của tổ công tác và hội đồng tư vấn 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng tổ công tác chủ trì phiên họp.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, TP.

 Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

6 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách TTHC tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, tổ công tác đã cơ bản hoàn thành 13/17 nhiệm vụ (không có nhiệm vụ quá hạn), hội đồng tư vấn hoàn thành 10/23 nhiệm vụ (không có nhiệm vụ quá hạn) theo kế hoạch. Kết quả, từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.943 quy định về kinh doanh; ước tính tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt khoảng 18,6% và khoảng 10% chi phí tuân thủ. Hiện có 19/21 bộ, cơ quan thực hiện phân cấp 261 TTHC. Ngoài ra, các bộ, địa phương đã chủ động thực hiện phân cấp giải quyết 527 thủ tục theo thẩm quyền trên các lĩnh vực như: Giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, nội vụ, văn hóa, thể thao và du lịch... Công tác đơn giản hóa TTHC được đẩy mạnh, qua đó tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Triển khai các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), trong 6 tháng đầu năm nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 247 TTHC, giấy tờ công dân. Cả nước có hơn 13,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia; hơn 7,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết; tái sử dụng dữ liệu điện tử đạt cao.

Bên cạnh kết quả tích cực, các đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế và phân tích, đánh giá nguyên nhân. Đó là một số quy định, TTHC còn chồng chéo, phức tạp, qua nhiều khâu trung gian. Công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, địa giới hành chính; một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện chưa thuận lợi. Người đứng đầu một số bộ, cơ quan, địa phương chưa quan tâm đến công tác cải cách TTHC. Thói quen làm việc theo phương thức truyền thống, chưa theo kịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu, thiếu đồng bộ, nhiều hệ thống đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp, phát triển.

Tỉnh Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương tích cực thực hiện đơn giản hóa TTHC nội bộ. Từ năm 2022 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố 112 TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước. Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, số hóa hồ sơ của tỉnh cao hơn mức điểm bình quân của cả nước.

 Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ T.Ư đến các địa phương.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ T.Ư đến các địa phương.

Để nâng cao chất lượng cải cách TTHC, các đại biểu thống nhất giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Các bộ, ngành, địa phương cần kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với quy định TTHC, thực hiện tốt việc tham vấn (tăng cường tham vấn trên môi trường điện tử), thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thực chất, hiệu quả. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030.

Tập trung triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024. Triển khai hiệu quả 2 nhóm TTHC liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất. Thúc đẩy triển khai Đề án 06, nhất là việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình triển khai; nâng cấp khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các dữ liệu chuyên ngành. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh.

Kết luận phiên họp, đồng chí Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và thành viên của tổ công tác, hội đồng tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng chí điểm lại một số kết quả nổi bật trong 6 tháng qua, đặc biệt là những mô hình mới trong cải cách TTHC được nhân dân đánh giá cao như mô hình cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID ở TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế. Ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ trì đã có nhiều tiện ích cho người dân, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ động các điều kiện để kết nối, bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề cao vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Quá trình triển khai cần quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước phải chặt chẽ. Đồng thời đề nghị các cơ quan, địa phương chủ động, đẩy mạnh truyền thông về các nội dung đã và đang triển khai, nhất là những mô hình mới về cải cách TTHC để nhân dân, doanh nghiệp nắm được và tham gia. Đối với các ý kiến của địa phương, đồng chí đề nghị những bộ liên quan trả lời trước ngày 15/8; các bộ, ngành, địa phương đã nhận được công văn của hội đồng tư vấn cải cách TTHC phải nghiên cứu, trả lời lại bằng văn bản trước ngày 30/8.

Tin, ảnh: Hoài Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/day-manh-truyen-thong-ve-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-va-mo-hinh-moi-122345.bbg