Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Kế hoạch số 166- KH/TU (ngày 19/8/2024) thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư 'Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới'. Yêu cầu đặt ra là việc triển khai thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nghiêm túc; nội dung phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, nhằm giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, người sử dụng lao động và người lao động nắm vững công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để từ đó thực hiện công tác này trong tình hình mới ngày càng hiệu quả. Trong đó cần tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác ATVSLĐ.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh luôn chú trọng đến lĩnh vực ATVSLĐ, xem đây là giải pháp bảo vệ nguồn lực lao động bền vững trong quá trình phát triển KT-XH. Các cơ quan hữu quan chủ động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cải thiện điều kiện làm việc, áp dụng mô hình quản lý ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động trong doanh nghiệp.

Triển khai các giải pháp kỹ thuật an toàn để phòng chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ quan trắc môi trường lao động, đánh giá các yếu tố có hại.

Trong tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024, nhiều hoạt động hướng về người lao động đã được thực hiện, như chăm lo về đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Công đoàn các cấp quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động; chủ động đối thoại định kỳ, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn lao động; nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn còn tồn tại. Công tác kiểm tra chấn chỉnh, yêu cầu đơn vị khắc phục những hạn chế, vi phạm chưa được thường xuyên mà chỉ tập trung qua các đợt phát động tháng ATVSLĐ hằng năm...

Mục tiêu đề ra trong Kế hoạch số 166-KH/TU, ngày 19/8/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, giảm tỉ lệ tai nạn lao động chết người ít nhất 4%/năm. Hằng năm số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ độc hại, nguy hiểm được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

Nhiệm vụ và giải pháp đề ra là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác ATVSLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ; đề xuất hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác ATVSLĐ; bố trí hợp lý nguồn lực đầu tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả phối hợp trong thực hiện công tác ATVSLĐ.

Trong các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, cần tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác ATVSLĐ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với việc phân cấp, phân quyền; tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính theo hướng thiết thực, đơn giản, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người lao động.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, tiếp nhận và báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Định kỳ đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án đầu tư khai thác, sản xuất công nghiệp, xây lắp, nơi có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; thường xuyên rà soát, kiến nghị bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bệnh nghề nghiệp. Thực hiện đầy đủ, kịp thời việc khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố gây mất ATVSLĐ, tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp.

Cùng với đó, giám sát, quản lý chặt chẽ các dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ; quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Nâng cao chất lượng các cơ sở y tế khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động; bộ phận ATVSLĐ, bộ phận y tế, hội đồng ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là ngành lao động, y tế, môi trường với địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá công tác ATVSLĐ; kịp thời phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm vi phạm, nhất là tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng về ATVSLĐ.

Minh Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-cong-tac-an-toan-ve-sinh-lao-dong-188152.htm